Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí.
Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước hoặc tổ chức được ủy quyền phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định được quy định trong Danh mục lệ phí.
Để hiểu rõ khái niệm phí và lệ phí, cần lưu ý một số nội dung sau:
Thứ nhất, về bản chất kinh tế của phí và lệ phí thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.
Nếu như thuế không có tính đối giá và hoàn trả trực tiếp thì ngược lại, phí và lệ phí có tính chất này. Phí và lệ phí có tính đối giá bởi vì, phí và lệ phí đều là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi nhận được sự phục vụ về một dịch vụ hoặc công việc quản lý nhà nước nào đó. Bản chất, phí và lệ phí chính là một phần giá cả của dịch vụ hoặc công việc. Sở dĩ ta nói chỉ là một phần của giá cả là vì phí và lệ phí của nhà nước chủ yếu nhằm bù đắp các chi phí hoạt động nhất định của dịch vụ. Cho nên, trên thực tế, trong kinh doanh nhằm bù đắp mọi chi phí và có lợi nhuận nên khi cung cấp dịch vụ, người ta gọi là giá dịch vụ.
Ví dụ: khi ta muốn đi thăm quan danh lam thắng cảnh, thì ta phải trả phí tham quan; hoặc khi ta muốn nhà nước thừa nhận việc sở hữu hợp pháp khi mua tài sản như nhà, xe máy, xe ô tô thì ta phải nộp lệ phí trước bạ. Trong khi đó, khi sử dụng dịch vụ ăn uống, ta phải “trả giá” cho từng món ăn.
Tính hoàn trả của phí và lệ phí thể hiện ở sự trao đổi giữa người nộp phí, lệ phí với cơ quan, tổ chức nhà nước cung cấp dịch vụ. Sau khi nộp phí, lệ phí, người nộp sẽ nhận được dịch vụ nhất định hoặc được đáp ứng công việc nhất định phù hợp với yêu cầu của họ. Như vậy, phí, lệ phí chính là nghĩa vụ của người nộp trong quan hệ song vụ để được hưởng những quyền nhất định. Khác với thuế, là một nghĩa vụ tài chính đơn vụ của người nộp thuế.
Tài liệu Luật học tham khảo:
Bạn đã nghe nói đến Thừa phát lại chưa?
Thứ hai, về nguồn pháp luật của phí, lệ phí. Nếu như thuế chỉ do Quốc hội ban hành dưới hình thức luật hoặc pháp lệnh, thì nội dung cụ thể của từng loại phí, lệ phí do Chính phủ ( Chính phủ có thể ủy quyền cho các bộ) và Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành. Thuế là nghĩa vụ tài chính bắt buộc của tổ chức, cá nhân để sử dụng và chi tiêu cho mọi hoạt động của Nhà nước; vì vậy, nó đòi hỏi phải được sự chấp thuận của cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân để hạn chế sự hà lạm của công quyền. Trong khi đó, phí, lệ phí luôn gắn với nhu cầu của từng người nộp và mức thu cũng được xác định phù hợp gắn với đặc điểm của từng lĩnh vực kinh tế xã hội và vùng miền, cho nên Chính phủ hoặc Hội đồng nhân dân tỉnh được xác định là cơ quan có thẩm quyền qui định về phí, lệ phí.
Thứ ba, mặc dù có nhiều điểm tương đồng như nêu ở trên, nhưng giữa phí và lệ phí cũng có những sự khác biệt nhất định. Phí là số tiền phải trả khi người nộp phí thụ hưởng những sản phẩm dịch vụ có tính chất công cộng do các đơn vị, cơ quan nhà nước cung cấp, những dịch vụ này thường đáp ứng những nhu cầu cơ bản của đời sống xã hội, ví dụ: phí giao thông, học phí. Lệ phí là số tiền phải trả nhằm bù đắp một phần chi phí của cơ quan nhà nước khi thực hiện các công việc quản lý nhà nước có liên quan đến một tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, trong khi lệ phí được thu bởi các cơ quan nhà nước và là nguồn thu của ngân sách nhà nước thì phí có thể được thu bởi cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức khác ( ví dụ: doanh nghiệp). Bởi lẽ, các dịch vụ cơ bản của xã hội có thể do nhà nước hoặc doanh nghiệp cung cấp. Tuy nhiên, trong phạm vi giáo trình này, chúng ta chỉ xem xét các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước.
Nguồn: Nhóm facebook Để học tốt Luật Ngân Sách