Trên thị trường hiện nay có rất nhiều sách chuyên sâu về nghề luật sư, mỗi cuốn sách đều đem lại cho không chỉ dân luật mà bất cứ ai những thông tin hữu ích riêng. Dưới đây là danh sách tổng hợp một số cuốn sách hay về pháp luật và nghề luật sư giúp bạn có thêm nhiều góc nhìn khác nhau và bổ sung những kiến thức về luật pháp vô cùng quý giá.
1. Tư Duy Pháp Lý Của Luật Sư – Luật Sư Nguyễn Ngọc Bích
Nội dung quyển sách Tư duy pháp lí của Luật Sư được chia làm 4 phần:
Phần một: Giới thiệu với bạn về tư duy pháp lý và đưa ra các điều kiện bạn phải có, hay phải thay đổi so với trước kia để có thể có tư duy pháp lý. Tốt nghiệp trường luật xong bạn chưa có khả năng tư duy pháp lý để làm luật sư; vì trường luật đào tạo bạn làm cán bộ pháp chế (tức là soạn luật để cho người khác áp dụng, và giám sát việc thực hiện luật). Bạn sẽ biết về điều này rõ hơn khi đọc Chương 2 của phần này.
Phần hai: Trình bày cách tư duy pháp lý; gồm phương pháp thực hiện; các vụ án để bạn… luyện chưởng và biết tính chất của các câu hỏi pháp lý.
Phần ba: Đưa ra một số vụ án để các bạn tập làm một mình hầu kiểm tra mức độ sử dụng tư duy pháp lý…
Phần bốn: Một số bài đọc thêm để bạn mở rộng kiến thức.
2. Hiến Pháp Mỹ Được Làm Ra Như Thế Nào? – Nguyễn Cảnh Bình
Quyển sách này sẽ cung cấp cho bạn độc quan tâm đến pháp luật bức tranh toàn cảnh về sự ra đời của Hiến pháp Mỹ, đất nước được mệnh danh là xứ sở của tự do và quyền con người. Nó được làm ra trong những cuộc tranh luận nảy lửa tưởng như không có lối thoát và những mối bất đồng sâu sắc, bởi những bộ óc vĩ đại có một không hai trong lịch sử và bằng một tinh thần mà người ta khó có thể tìm một tính từ nào thay thế ngoài cách gọi – “tinh thần Mỹ”. Đó là sự tôn trọng đặc biệt lẫn nhau, thừa nhận những quan điểm hoàn toàn khác biệt, chấp nhận và cùng thỏa hiệp để đi tới lợi ích chung cuối cùng.
Nội dung cuốn sách hay về luật Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào? bao gồm những mẩu chuyện rất hấp dẫn về quá trình soạn thảo Hiến pháp, về những cuộc tranh luận cực kỳ gay go và nan giải trong quá trình soạn thảo bản Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787, những bức thư đầy tính nhân bản và trách nhiệm của những người tham sự Hội nghị lập hiến.
3. Luật 101 – Jay M. Feinman
Thông qua quyển sách hay về Luật 101 này, tác giả muốn đưa cái nhìn tổng quát và cập nhật đầy đủ về hệ thống pháp luật Hoa Kỳ, bao gồm tư liệu mới về các vụ kiện được Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ xét xử năm 2009, khía cạnh pháp lý về cuộc chiến chống khủng bố (kể cả những người bị giam giữ ở Guantanamo và cổng từ an ninh), và những tiến triển gần đây nhất của luật về Internet.
Trong một cuốn sách đề cập đến nhiều vấn đề pháp lý nan giải, những mẩu chuyện nhỏ đầy thú vị, và các câu hỏi đáng phải suy ngẫm, cách dẫn chứng luật một cách rõ ràng của Jay M.Feinman giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc về truyền thống pháp luật của Mỹ và bao quát cả những môn học chính được dạy ở năm đầu trong trường luật. Độc giả được giới thiệu mọi khía cạnh của hệ thống pháp luật, từ luật hiến pháp và quá trình tranh tụng cho đến luật bất cẩn, luật hợp đồng, luật sở hữu trí tuệ, và luật hình sự.
4. Bàn Về Tinh Thần Pháp Luật – Montesquieu
Bàn về tinh thần pháp luật là tuyệt tác triết học của Montesquieu, là một trong những tác phẩm vĩ đại trong lịch sử triết học chính trị và trong lịch sử luật học. Mục đích cuốn sách, như chính tác giả đã nêu, là: Trình bày những nguyên nhân quyết định nền pháp lý cho mỗi quốc gia; trình bày sự phù hợp cần thiết giữa luật lệ và chế độ cai trị của một nước; trình bày những quan hệ giữa các luật lệ với nhau. Ông đã phải mất gần 20 năm cho tác phẩm này
Bàn về tinh thần pháp luật của Montesquieu cùng với Bàn về Khế ước xã hội của Rousseau được coi là bộ đôi tác phẩm “xây dựng lý thuyết về xã hội công dân và nhà nước pháp quyền, dẫn tới cuộc Đại cách mạng Pháp 1789”. Những giá trị kinh điển của hai tác phẩm cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và được coi như những “tinh hoa tư tưởng của nhân loại”.
5. Bàn Về Khế Ước Xã Hội – J. J. Rousseau
Về mục đích cuốn sách, tác giả viết: “Tôi muốn tìm xem trong trật tự dân sự có hay không một số quy tắc cai trị chính đáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người. Và có hay không luật pháp đúng với những ý nghĩa chân thực của nó”. Với luận văn này, J. J. Rousseau muốn “gắn liền cái mà luật pháp cho phép làm với cái mà lợi ích thúc đẩy phải làm, khiến cho công lý và lợi ích không tách rời nhau”.
Cuốn sách được in chui và phát hành đầu năm 1762, khi mà Chính phủ Hoàng gia và Nghị viện Pháp ra lệnh đốt một số sách của Rousseau. Ông phải chạy trốn, sống cuộc đời lưu vong, không ổn định và nghèo khổ, cho đến ngày 2/7/1788, từ giã cõi đời tại làng Camenonville, và chôn trên hòn đảo Dương Liễu heo hút ngày 4/7/1788.
Toàn bộ luận văn trên dưới sáu vạn chữ được chia làm bốn quyển:
Quyển thứ nhất gồm 9 chương: mở ra những ý niệm chung về sự hình thành một xã hội người từ trạng thái tự nhiên chuyển sang trạng thái dân sự và những ý niệm chung về việc thành lập Công ước xã hội.
Quyển thứ hai gồm 12 chương: chủ yếu bàn về vấn đề lập pháp.
Quyển thứ ba gồm 18 chương: bàn chủ yếu về vấn đề cơ quan hành pháp.
Quyển thứ tư gồm 9 chương: bàn tiếp nhiều vấn đề, trong đó nổi lên vấn đề cơ quan tư pháp.
Những người yêu J. J. Rousseau và đã đọc Khế ước xã hội thường nói: đọc Khế ước xã hội thật là mệt. Vì văn chương của tác giả vừa uyên thâm, vừa uẩn súc; cách lập luận của ông dựa vào phương pháp logic kiểu Descartes, rành rọt, hiển nhiên, nhưng đồng thời bao quát nhiều ý niệm, soi vào nhiều góc cạnh của vấn đề, lại phải trình bày rất khéo léo những quan điểm đối nghịch với chính thống đương thời. Bài luận văn có những câu dài tới trên 10 dòng, phải tách nhỏ ra một cách linh hoạt thì mới diễn dịch được tư duy của tác giả. Nhưng thật là một niềm vui lớn cho người nghiên cứu khi nắm bắt được những ý lớn và khái quát được tư tưởng vĩ đại của J. J. Rousseau trong Khế ước xã hội.
6. Cộng Hòa – Plato
Cuốn sách được xem là cột mốc lớn của triết học phương Tây. Tác phẩm được trình bày dưới dạng đối thoại giữa Plato và những người khác. Mặc dù chủ đề chính là về một nhà nước lý tưởng nhưng nó cũng xoay quanh giáo dục, tâm lý, đạo đức và chính trị. Trong các đoạn chính của Cộng hòa, Plato sử dụng những huyền thoại để khám phá bản chất tự nhiên của thực tế, truyền đạt cái nhìn về sự tiên đoán của con người và vai trò của triết học trong việc thiết lập tự do.
Ông tưởng tượng ra một cái hang mà những con người bị xiềng xích từ khi mới sinh ra làm bạn với cái bóng của mình và mang họ đến thực tế. Vai trò của triết học, cụ thể là những gì Plato gọi là biện chứng, là đưa con người ra khỏi cái bóng và hướng bản thân họ tới thực tế. Đây là bản chất của việc theo đuổi sự khôn ngoan mà không có nhà nước lý tưởng nào không làm. Độc giả hiện đại có thể đồng ý với mọi điều Plato nói, cũng như lập luận chặt chẽ, cái nhìn đầy chất thơ vẫn có sức mạnh trong việc kích thích và thách thức. Sức mạnh lâu dài này đã làm của Cộng hòa trở thành một trong những nền tảng của văn hóa phương Tây.
7. Kỹ năng hành nghề luật sư tư vấn – Trương Nhật Quang
Cuốn sách “ Kỹ năng hành nghề luật sư tư vấn” được viết chủ yếu cho đối lượng bạn đọc là các luật sư trẻ với mong muốn giúp các bạn đào luyện các kỹ năng cơ bản để thành công trong môi trường một công ty luật chuyên nghiệp. Ngoài các luật sư trẻ, các sinh viên luật và các giảng viên luật có thể tìm thấy những thông tin giúp ích cho quá trình học tập và giảng giạy kỹ năng hành nghề luật sư tại các trường luật ở Việt Nam. Tác giả cũng hy vọng cuốn sách có thể giúp các luật sư có kinh nghiệm hồi tưởng và nhớ lại các kinh nghiệm đúc kết trong suốt quá trình hành nghề bận rộn của mình.
Khi viết cuốn sách này, tác giả không có tham vọng trình bày tất cả các kỷ năng có liên quan đến quá trình hành nghề luật sư. Tác giả chỉ tập trung trình bày các khả năng mà tác giả cho là quan trọng, cơ bản và cần thiết nhất đối với luật sư, đặc biệt là các luật sư trẻ mới bước vào nghề. Các kỹ năng được trình bày trong cuốn sách về cơ bản bao gồm: kỹ năng nghiên cứu và phân tích, kỹ năng trình bày, kỹ năng soạn thảo và đàm phán hợp đồng, kỹ năng dịch thuật, kỹ năng quan hệ với khách hàng, kỹ năng làm việc với cơ quan nhà nước và các kỹ năng mềm khác. Ngoài các kỹ năng hành nghề và các kỹ năng mềm trên, các vấn đề đạ đức nghề nghiệp và trách nhiệm cảu luật sư khi hành nghề phát sinh nhiều trong thời gian vừa qua cũng được thảo luận.
8. Triết học luật pháp – Raymond Wacks
Triết học luật pháp là một dẫn nhập về pháp luật sinh động và dễ tiếp cận. Cuốn sách đề cập và thảo luận về nhiều chủ đề bao gồm quyền của phụ nữ, vấn đề phân biệt chủng tộc, bảo vệ môi trường, bàn về cuộc chiến tranh Iraq và cách đối phó với các nghi phạm khủng bố.
Viết về triết học luật pháp – một lĩnh vực đầy thử thách nhưng Raymond Wacks đã không đem đến một cuốn sách khô khan mà trái lại, đã đem tới một cuốn sách nhỏ, thú vị, dẫn dắt người đọc tìm hiểu, khám phá những khái niệm của luật pháp cũng như vai trò của nó trong cuộc sống của chúng ta.
Nhắc tới những nhà tư tưởng quan trọng của thế giới từ cổ điển tới hiện đại, ông đã nhìn vào những câu hỏi trung tâm đằng sau lý thuyết pháp lý mà đã luôn thu hút những luật gia và các nhà triết học, cũng như nhiều người khác về mối quan hệ giữa pháp luật với công lý, đạo đức và dân chủ.
9. Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư – Nguyễn Hữu Phước
Với những ai muốn trở thành luật sư riêng hoặc thành lập một công ty, văn phòng luật sư để hành nghề thì điều cốt lõi là phải có kiến thức trong quá trình khởi nghiệp. Công việc của một luật sư không hề đơn giản, bởi sự cạnh tranh về trình độ chuyên môn, uy tín của các luật sư khác khiến cho những người mới vào nghề gặp nhiều khó khăn, trở ngại.
“Hướng dẫn khởi nghiệp với nghề luật sư” là một quyển sách rất hữu ích được biên soạn bởi Tác giả Nguyễn Hữu Phước đồng thời là Luật sư sáng lập của Phuoc & Partners. Quyển sách được đúc kết từ sự đam mê nghề nghiệp và những kinh nghiệm làm việc thực tế của Luật sư Nguyễn Hữu Phước trong hơn hai mươi năm hành nghề luật sư tư vấn.
10. Lịch Sử Nghề Luật Sư Ở Việt Nam – Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa
Lịch sử nghề luật sư ở Việt Nam là công trình nghiên cứu độc lập về quá trình hình thành và phát triển nghề nghiệp luật sư ở nước ta, từ thời kỳ đầu tiên dưới ách độ hộ của thực dân Pháp, qua các chế độ trước năm 1975, cho đến ngày nay. Đây là quyển sách chuyên khảo liên ngành tiếp theo quyển Truyền thống luật sư Việt Nam cũng do hai tác giả biên soạn, được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản cuối năm 2014, đã được dư luận độc giả hoan nghênh, tìm đọc.
Về tác giả: hai luật sư có quá trình hoạt động nghề nghiệp gần như suốt đời mình, Luật sư Phan Đăng Thanh và Luật sư Trương Thị Hòa còn là hai nhà nghiên cứu lịch sử, từng nhiều năm tham gia giảng dạy bộ môn “Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam” ở các Trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh (như: Trường Đại học Mở – Bán công, Đại học Luật, Đại học Tổng hợp sau là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh…) và diễn giảng các môn về kỹ năng hành nghề tại Trường đào tạo nghề luật sư thuộc Bộ Tư pháp – Học viện Tư pháp hiện nay.
Qua nội dung quyển sách này, tác giả đã sưu tầm các nguồn tài liệu khả tín từ các Kho lưu trữ quốc gia của Nhà nước qua các thời kỳ, Thư viện Khoa học Tổng hợp và Thư viện Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, các sách báo và hình ảnh từ nguồn mạng điện tử, tư liệu gia đình do người thân của các cố luật sư cung cấp.
Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều sách hay về những chủ đề khoa học pháp lý và lĩnh vực pháp lý như: Sổ tay thẩm phán về tranh chấp dân sự, những mẫu hợp đồng thông dụng, tranh chấp điển hình trong quản trị doanh nghiệp,…
Nhìn chung, những quyển sách hay trên đây đều được viết bởi những tác giả rất nổi tiếng, có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề và am hiểu sâu rộng về ngành luật và khoa học pháp lý; xứng đáng là những tài liệu bổ ích, vô cùng cần thiết mà bất kì người học Luật nào cũng nên đọc.
Nguồn bài viết: Sưu tầm internet