Luật sư là một chức danh tư pháp độc lập, chỉ những người có đủ điều kiện hành nghề chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện việc tư vấn pháp luật, đại diện theo ủy quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức và nhà nước trước Tòa án và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác. Nghề luật sư ngoài những yêu cầu về kiến thức và trình độ chuyên môn thì yêu cầu về việc hành nghề luật sư còn phải tuân thủ theo quy chế đạo đức nghề nghiệp. đòi hỏi luật sư phải là người có kiến thức, lòng trong sáng, dũng cảm, bản lĩnh của một “hiệp sỹ” pháp lý biết lấy pháp luật và đạo đức xã hội làm cơ sở hoạt động mới xứng đáng với sự tin cậy và tôn vinh của xã hội.
Hiện nay, vai trò của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng đã từng bước được khẳng định. Quan điểm bảo vệ, ý kiến của luật sư tại phiên toà đã được cơ quan công tố, hội đồng xét xử quan tâm và coi trọng. Việc tham gia tố tụng của các luật sư không những bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa của bị can, bị cáo, các đương sự khác, mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa những thiếu sót, làm rõ sự thật khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Trên thực tế hiện nay đã có một “lỗ hổng” lớn trong ứng xử văn hóa nghề nghiệp luật sư không chỉ bởi thiếu tính chuyên nghiệp, mà còn do gốc rễ nằm trong quan niệm chưa đúng về chức năng xã hội của luật sư, một số luật sư còn nặng chạy theo dịch vụ, xa rời các chuẩn mực pháp lý, đạo đức và kỷ luật nghề nghiệp. Về mặt khách quan, việc phát triển “nóng” đội ngũ luật sư ở nước ta thời gian qua đã bộc lộ những bất cập trong quá trình hành nghề, để xảy ra một số trường hợp có một số luật sư vi phạm pháp luật, bị khởi tố về mặt hình sự do hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân, pháp nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và vị trí của người luật sư trong xã hội. Trong quá trình hành nghề, một số luật sư nghiên cứu hồ sơ vụ việc chưa thấu đáo, tham gia xét hỏi mang tính chiếu lệ nên khi tư vấn hoặc phát biểu tranh luận, không đưa ra được những quan điểm và căn cứ pháp lý có tính thuyết phục, lời lẽ tranh luận chủ yếu là phản bác, thái độ thiếu sự tôn trọng đối với các cơ quan và những người tiến hành tố tụng.
Vì vậy, để hội nhập văn hóa tư pháp giai đoạn mới, mỗi luật sư, tổ chức hành nghề luật sư cần xây dựng hệ thống các tiêu chí và giá trị văn hóa nghề nghiệp luật sư đảm bảo cho các tổ chức hành nghề luật sư và mỗi luật sư hoạt động có hiệu quả, phù hợp với chức năng xã hội của luật sư. Trong mỗi tổ chức hành nghề luật sư, cần xây dựng các chuẩn mực cho tổ chức hành nghề luật sư vận hành thống nhất, truyền bá tinh thần cộng đồng gánh vác trách nhiệm xã hội cao của nghề luật sư, có đạo đức nghề nghiệp và ứng xử văn hóa. Trong quy chế hoạt động của mỗi tổ chức hành nghề hoặc hợp đồng hợp tác giữa các luật sư, cần đưa thêm một số nội dung quy định trong Luật Luật sư, Quy tắc đạo đức nghề nghiệp và một số tiêu chí ứng xử văn hóa, nhất là sự ràng buộc về trách nhiệm bảo đảm uy tín nghề nghiệp, các điều cấm và trách nhiệm về tài sản đối với tổ chức hành nghề luật sư khi xảy ra việc khách hàng khiếu nại mà tổ chức hành nghề luật sư đã phải giải quyết với khách hàng (nếu có); nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp luật sư và đóng bảo hiểm xã hội cho các thành viên của tổ chức hành nghề luật sư.
Muốn duy trì sự vận hành nhất quán và thông suốt, tạo ra mặt bằng chung của văn hóa nghề nghiệp, người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư phải gương mẫu trong việc tuân thủ các chuẩn mực do mình đề ra, tạo không khí sinh hoạt dân chủ nhưng nghiêm khắc trong kỷ luật hành nghề, hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy đến do những vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Trên cơ sở sự phân công trách nhiệm, quản trị tốt nguồn thu nhập và phân phối, cần có chính sách phân phối hợp lý như một đòn bẩy tích cực; từng bước xây dựng hệ thống đánh giá một cách công bằng về hiệu quả, chất lượng cung cấp dịch vụ, củng cố uy tín của bản thân luật sư và tổ chức hành nghề luật sư, có chế độ kiểm tra định kỳ, chấn chỉnh khuyết điểm, nâng cao mặt tích cực, sáng tạo.
Mỗi tổ chức hành nghề cần tạo các đòn bẩy kích thích lòng say mê nghề nghiệp, ý thức tu dưỡng, rèn luyện; vừa chú trọng khen thưởng về vật chất, vừa khuyến khích khen thưởng về tinh thần thông qua việc bình chọn điển hình tiêu biểu, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện hoặc ứng cử vào các tổ chức dân cử; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản trị tổ chức hành nghề luật sư; xây dựng chương trình đào tạo tại chỗ, nâng cao trình độ ngoại ngữ, cử luật sư tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài.
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hoá, các luật sư hoạt động trong lĩnh vực tư vấn pháp luật đang phát huy vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp đàm phán, ký kết hợp đồng, giải quyết các tranh chấp phát sinh đặc biệt trong các lĩnh vực mới mẻ như đầu tư nước ngoài, sở hữu trí tuệ, quan hệ thương mại hàng hoá có yếu tố nước ngoài…Ngoài ra, các luật sư cũng đã tham gia tích cực vào hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng thuộc diện chính sách góp phần tạo lập sự công bằng, lẽ công bằng trong xã hội.
Muốn làm được điều này, những người trong nghề luật sư phải thực sự yêu nghề, luôn sự trau dồi tri thức, kỹ năng hành nghề, giữ vững và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, giữ mối quan hệ tốt với mọi người, với đồng nghiệp. Bên cạnh đó, mong Nhà nước quan tâm hơn nữa đối với nghề luật sư. Từ đó hình thành một đội ngũ luật sư thời kỳ mới thật sự có đạo đức, văn hóa và giỏi chuyên môn, đáp ứng yêu cầu xã hội hiện nay.
Ngày 10/10/2019
Luật sư: Lê Thu Hằng
Công ty Luật TAT Law firm
Nguồn bài viết: Dân trí