Lối đi nào cho người tập sự hành nghề luật sư?

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, hiếm ai chưa từng một lần học bơi; có người học nhanh, có người học chậm nhưng cũng có người vĩnh viễn bỏ cuộc vì không vượt qua được nỗi sợ hãi khi đối mặt với dòng nước. Những Luật sư tập sự thường được ví như chập chững học bơi, để đến khi trở thành một luật sư thực thụ là bắt đầu hành trình ra biển lớn.

Hẳn không ít sinh viên Luật vỡ mộng khi mang tấm bằng cử nhân và chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ luật sư đến gõ cửa của các Văn phòng, Công ty Luật để xin bắt đầu quá trình học bơi gian nan.

Câu trả lời chung của các Luật sư đang hành nghề là: Hiện nay điều kiện tiếp nhận luật sư tập sự khắt khe lắm, nên rất khó khăn; nào là phải 03 năm hành nghề luật sư, mỗi luật sư chỉ được hướng dẫn tập sự cho 3 người… Nào là hành nghề luật sư khó lắm, không dễ tồn tại, phải chuẩn bị mọi thứ trước…

Vậy cần chuẩn bị những gì?

Điều kiện tiên quyết chính là tâm lý phải thật vững vàng. Nghề nào cũng vậy, chỉ đơn giản khi nhìn bề nổi. Không phải tự nhiên mà trong hơn 5000 sinh viên Luật tốt nghiệp mỗi năm, số người quyết tâm theo nghề chỉ là một con số vô cùng khiêm tốn, chưa kể không phải ai cũng theo đuổi đến cùng. Nguyên nhân vì đâu?

Thứ nhất, là thời gian. Hơn 04 năm trời ở trường đại học, nếu suôn sẻ sẽ thêm 02 năm cho quá trình đào tạo nghiệp vụ luật sư và tập sự trực tiếp. Chỉ tính riêng thời gian “cứng” đã là 06 năm, và con số thực tế bao giờ cũng kéo dài hơn nhiều.

Thứ hai, vấn đề tài chính. Sinh viên vừa mới chân ướt chân ráo rời ghế nhà trường, chưa kinh nghiệm thực tế, khả năng tài chính phần lớn còn quen phụ thuộc vào gia đình. Tập sự hành nghề chính là tiếp tục quá trình học tập mới – học đi đôi với hành. Đã đi học lại không phải đóng học phí đã là một điều may mắn, việc tạo ra thu nhập trong thời gian này thực sự còn khá khó khăn cho những người trẻ tuổi. Không phải tự nhiên mà các sinh viên Luật thường nói với nhau: “Nghề luật là một nghề tư sản”. Điều này cũng giải thích lý do tại sao hầu hết các luật sư thường có độ tuổi ngoài 30, không ít trường hợp rất tâm huyết với nghề nhưng không có điều kiện để theo đuổi, đành chọn giải pháp ổn định kinh tế trước, rồi sau đó mới tiếp tục theo đuổi ước mơ.

Vậy con đường để tập sự hành nghề luật sư dễ hay khó?

Trên thực tế, chẳng có nghề nào lại dễ dàng, lại không vất vả. Một bác phu hồ cũng phải biết phân loại vật liệu xây dựng, tỷ lệ trộn xi và cát; một cô hàng rau cũng phải biết chọn rau củ nào đắt khách, loại quả nào tốt cho sức khỏe. Nghề luật sư cũng vậy. Nó chỉ dễ với những ai thực sự tâm huyết, có sự chuẩn bị cả về tinh thần và giải pháp cho vấn đề tài chính. Một người muốn theo nghề nhưng không hiểu nghề thì sự yêu thích cũng chỉ mang tính chất nhất thời.

Phần đông các bạn yêu nghề đều cố gắng vượt qua khó khăn ban đầu để bắt đầu cho việc tập sự hành nghề luật sư. Cá nhân tôi từng chứng kiến không ít người phải bỏ cuộc giữa chừng vì nhiều lý do khác nhau. Hầu hết những lý do cơ bản như: không chịu được áp lực công việc, áp lực về tài chính, tinh thần; không thích ứng được với môi trường mới vv… Cũng có khi lý do lại xuất phát từ phát từ phía tổ chức hành nghề luật hay luật sư trực tiếp hướng dẫn. Không ít bạn sinh viên từng chia sẻ, quá trình học việc của bạn ấy chưa một lần được tiếp xúc hồ sơ trực tiếp, không được giao việc gì liên quan đến chuyên môn, hàng ngày đến cơ quan chỉ đảm trách chuyện trà nước, giao tài liệu … Sau một thời gian, mục đích khi đến với nghề không đạt được đã khiến không ít người đã xuất hiện cái nhìn bi quan về công việc.

Vậy “Đâu là rào cản thật sự đối với một người muốn tập sự để trở thành luật sư?”

Trước hết phải khẳng định, rào cản này đến từ hai phía. Bản thân những người muốn theo nghề nhưng chưa thật sự tìm hiểu, chưa chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ lúng túng rất nhiều khi đối mặt với những vấn đề phát sinh trên con đường đã chọn. Phía các tổ chức hành nghề, những luật sư trực tiếp hướng dẫn vì một lý do nào đó chưa thật tâm nhiệt tình để truyền lửa, để khợi dạy vào tạo điều kiện phát huy nhiệt thành của những người tập sự.

Từ đó để thấy, đối với mỗi cá nhân người tập sự cho đến những luật sự, những tổ chức hành nghề đều cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Tôi tin rằng, với cái tâm của một người luật sư chân chính – những người đã từng trải qua khoảng thời gian khó khăn trên để dốc lòng tạo điều kiện, nhiệt thành chia sẻ cả về chuyên môn cũng như tinh thần – sẽ là sự động viên tích cực cho các bạn sinh viên luật nuôi dưỡng ước mơ của mình.

Nguyễn Trung Trực
Tập sư hành nghề Luật sư
Công ty Luật TNHH Trung Nguyễn