Chia sẻ về nghề Luật sư ở Việt Nam

Ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, luật sư là nghề có triển vọng, được nhiều người kính trọng và cũng là sự nghiệp mong muốn của nhiều người. Thế nhưng, để đạt được giấc mơ đó lại không hề đơn giản.

Theo luật pháp Việt Nam, một người muốn trở thành luật sư bắt buộc phải đảm bảo các điều kiện sau: có bằng Cử nhân Luật, qua lớp đào tạo kỹ năng hành nghề luật sư, trải qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, đạt kết quả kỳ thi kết thúc tập sự. Ngoài ra, người luật sư còn phải có nhiều yếu tố khác như có phẩm chất đạo đức tốt, đảm bảo điều kiện sức khỏe tốt để hành nghề,…

Không kém gì các ngành trong khối Khoa học Sức khỏe, sinh viên theo học ngành Luật sư phải trải qua một quãng thời gian tương đối dài, tối thiểu 6 năm gồm 4 năm học bằng Cử nhân và 2 năm học lấy bằng hành nghề Luật sư, thậm chí có thể dài hơn. Có những người mất đến cả chục năm trên còn đường trở thành luật sư, và có những người theo đuổi cả cuộc đời nhưng không thể vượt qua được kỳ thi. Có nhiều người cho rằng, thời gian đào tạo nghề Luật sư như vậy là quá lâu, dẫn đến việc xây dựng sự nghiệp và đạt được thành công muộn hơn bạn bè cũng trang lứa. Tuy nhiên, ý kiến này lại hết sức chủ quan bởi nghề Luật sư không hề giống những nghề bình thường khác. Người theo đuổi nghề này buộc phải nắm vững pháp luật, hội tụ những kỹ năng chuyên môn cần thiết, đồng thời lại phải có đạo đức nghề nghiệp. Luật sư không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân mà còn góp phần không nhỏ vào việc phát triển xã hội.

Chính vì vậy, để trở thành một Luật sư đúng nghĩa, mỗi người phải trải qua một khoảng thời gian rèn luyện nghiêm túc, có học vấn vững vàng đồng thời được đào tạo những kỹ năng bài bản. Nếu bạn thực sự có đam mê và nhiệt huyết với nghề thì 6 năm rèn luyện không phải là một thời gian dài.

Mỗi ngành nghề đều có những buồn vui riêng của nó. Bên cạnh những khó khăn, vất vả, rào cản, có thể thấy nhiều Luật sư, văn phòng Luật sư vẫn tồn tại và hoạt động rất hiệu quả. Vậy, vì sao khó khăn chồng chất như vậy, họ vẫn tồn tại được?

Luật sư phải sở hữu các kỹ năng mềm cần thiết như khả năng hùng biện; nắm bắt, tổng hợp và phân tích vấn đề; thuyết phục người khác,…

Trước tiên, một Luật sư muốn tồn tại và có chỗ đứng trong xã hội thì phải có cái “tâm” trong sáng. Chữ “tâm” ở đây là thực sự tâm huyết, yêu và hiểu nghề mà mình đang theo đuổi. Họ phải làm việc với tất cả sự nhiệt huyết, trăn trở, ưu tư, sống chết với nghề. Ở hầu hết tất cả các ngành nghề đều có người này người kia. Nghề Luật sư cũng vậy. Nhưng những Luật sư tồn tại được phải là người sống bằng cái tâm trong sáng. Họ theo nghề bằng con đường chân chính, bằng việc vận dụng đúng pháp luật. Điều đó được thể hiện bằng một số hành động như: Luật sư phải tư vấn đúng cho khách hàng của mình những việc họ cần phải làm, không lợi dụng khách hàng, không giúp khách hàng áp dụng sai pháp luật,…

Thứ hai, Luật sư phải là người nắm chắc các quy định của pháp luật để có thể áp dụng và tư vấn cho nhiều trường hợp khác nhau trong cuộc sống. Không chỉ nắm đầy đủ các quy định, một Luật sư giỏi còn phải biết vận dụng linh hoạt và chính xác những quy định ấy để có thể mang lại kết quả tốt nhất cho thân chủ.

Thứ ba, Luật sư phải sở hữu các kỹ năng mềm cần thiết như khả năng hùng biện; nắm bắt, tổng hợp và phân tích vấn đề; thuyết phục người khác,… Kỹ năng mềm đóng vai trò rất quan trọng đối với Luật sư trong việc có thành công hay không bởi nghề Luật sư vừa phải giao tiếp với rất nhiều người, vừa phải tự nắm bắt các vấn đề, thông tin của khách hàng,…

Ngoại ngữ cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp tạo nên chỗ đứng cho người Luật sư. Ở Việt Nam, số lượng Luật sư có khả năng ngoại ngữ tốt không nhiều. Trong khi đó, đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ theo xu hướng hội nhập với Thế giới. Khách hàng và những vụ việc có yếu tố nước ngoài là những “mảnh đất” màu mỡ tạo ra thu nhập lớn cho những Luật sư. Chính vì vậy, việc các Luật sư có trình độ ngoại ngữ tốt sẽ có lợi thế hơn so với những Luật sư không có trình độ ngoại ngữ hoặc trình độ ngoại ngữ kém.

Trong tương lai tới đây, nghề luật sư chắc chắn sẽ phát triển mạnh tại Việt Nam khi nền kinh tế đang từng bước khởi sắc thu hút đầu tư nước ngoài. Mọi con đường đi đến thành công đều gập ghềnh, gian khó. Nghề luật sư cũng vậy, muốn thành công chúng ta phải trải nghiệm qua khó khăn. Khi hội tụ đủ cố gắng, say mê, tâm huyết và ý chí thì chắc rằng chúng ta sẽ là luật sư thành công với tương lai đầy hứa hẹn.

Nguồn bài viết: http://nganhluatvn.edu.vn/