Bạn đã nghe nói đến Thừa phát lại chưa?

“Thừa phát lại”  cái cụm từ này mình nghe nói đến khi bước chân vào trường Luật, còn trước đấy thì mình không biết đây là một trong số những ngành nghề cần đến bằng cử nhân Luật. Sau đây Blog Yêu Luật xin giới thiệu đôi chút về cái nghề Thừa phát lại này. Các bạn xem thêm NGHỊ ĐỊNH Về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh  Số: 61/2009/NĐ-CP để biết thêm nhiều thông tin hơn nhé!

Đầu tiền, Thừa phát lại là một nghề mới:

Sau khi triển khai thí điểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh,thì hoạt động thừa phát lại đang dần trở thành một công cụ hữu ích, hỗ trợ người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong thực hiện các giao dịch dân sự và quá trình tố tụng tư pháp.

Chức năng của Thừa phát lại:

( thừa phát lại sẽ làm gì 4 nhiệm vụ, công việc chính được liệt kê bên dưới )

  1. Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.
  2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
  3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.
  4. Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án

Văn phòng thừa phát lại ở đâu:

Bạn có thể tìm Văn phòng Thừa phát lại tại quận/ huyện trực thuộc thành phố ( chẳng hạn như Văn phòng Thừa phát lại quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh )

Điều kiện hành nghề  Thừa phát lại

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì người có đủ sáu điều kiện sau đây được làm thừa phát lại:

Là công dân Việt Nam, có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt
Không có tiền án
Có bằng cử nhân luật
Đã công tác trong ngành pháp luật trên 05 năm hoặc từng là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên, điều tra viên từ trung cấp trở lên
Có chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn về nghề thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức
Không kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư và những công việc khác theo quy định của pháp luật.

Hình thức tuyển dụng bổ nhiệm

Người muốn được bổ nhiệm làm Thừa phát lại phải có hồ sơ nộp tại Sở Tư pháp. Hồ sơ bao gồm:

– Đơn xin bổ nhiệm làm Thừa phát lại;

– Giấy chứng nhận sức khỏe; lý lịch cá nhân và phiếu lý lịch tư pháp; bản sao các văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ cần thiết khác theo quy định.

Tổ chức Văn phòng Thừa phát lại

– Trưởng văn phòng phải là Thừa phát lại, là người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại.
Thừa phát lại là thành viên sáng lập, trong trường hợp nhiều người cùng tham gia thành lập Văn phòng Thừa phát lại; Thừa phát lại làm việc theo hợp đồng tại Văn phòng Thừa phát lại.
– Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại là nhân viên Văn phòng Thừa phát lại giúp Thừa phát lại thực hiện các công việc nghiệp vụ pháp lý theo quy định. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên.
– Nhân viên kế toán;
– Nhân viên hành chính khác.
Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Con dấu Văn phòng Thừa phát lại không có hình quốc huy và do Bộ Công an quy định.