Không phải tự nhiên mà nhiều người học luật hoặc đã từng học luật phải thừa nhận nghề luật chọn người chứ không phải là người chọn nghề luật. Vốn dĩ là một lĩnh vực phức tạp và rất áp lực, dưới đây là một số chia sẻ qua kinh nghiệm của cá nhân tôi dành cho các bạn sinh viên luật để có thể tồn tại trong lĩnh vực này.
1. Người học luật phải cháy hết mình bằng tình yêu với luật
Nhiều người nói với tôi rằng học luật cần phải có sự đam mê. Tôi thừa nhận rằng những người học luật với tất cả sự đam mê và thích thú chắc chắn học sẽ nhanh hơn và ít “khổ” hơn những người khác. Tuy nhiên không phải lúc nào tôi cũng thấy những người như vậy, thay vào đó là “Em học luật vì gia đình em khuyên thế”, “Em học luật vì nhà có người làm trong ngành luật”, “Em học luật vì bố mẹ em thích em học luật”, “Em học luật vì em không đủ điểm vào trường khác”… . Tuy nhiên không dễ và không hợp lý để nói yêu một cái gì đó khi mà các bạn còn chưa rõ về nó.
Thật khó có thể yêu cầu một bạn học sinh vừa tốt nghiệp cấp ba, vừa trải qua một quá trình ôn thi kéo dài có thể thật sự hiểu về ngành luật hay là công việc của một luật sư. Tôi thậm chí đã làm trong ngành luật hơn 5 năm nhưng nhiều khi phải thốt lên rằng cuộc đời ơi, ngành luật ơi sao mà phức tạp đến thế. Có lẽ những gì đa số các bạn tân sinh viên luật biết mới chỉ là hình ảnh bóng bẩy của các luật sư hay trong vài bộ phim tình cảm, trinh thám. Dĩ nhiên đó chỉ là bề ngoài của ngành luật và những gì chờ đón các bạn ở trường đại học và những tháng ngày hành nghề luật không phải như vậy.
Vì vậy, theo quan điểm của riêng tôi, đam mê là một điều cần thiết và sẽ là lợi thế đối với một số người học luật. Tuy nhiên, nếu như bạn chưa có được sự đam mê đó thì theo tôi đừng quá vội bi quan vì:
- Việc am hiểu pháp luật rất có ích cho dù sau này các bạn lựa chọn hướng đi nào chăng nữa.
- Với một tấm bằng cử nhân luật những lựa chọn nghề nghiệp của bạn cũng đa dạng hơn rất nhiều. Đây có thể là một lựa chọn với nhiều bạn trẻ khi mà các bạn còn chưa định hướng được năng lực và sở thích của chính mình. Sau này khi thấy mình thích một ngành khác, ai cấm các bạn rẽ hướng cơ chứ.
2. Học luật có khó không?
Dĩ nhiên là học luật khó chứ, Người ta có thể tạo ra những cỗ máy nhưng chưa ai có thể tạo ra một con người hoàn chỉnh cả bởi lẽ con người là một trong những thứ phức tạp nhất của tự nhiên. Cái người học luật học lại là những mối quan hệ giữa con người với con người, do đó không thể nói là nó đơn giản được. Tất nhiên cái gì cũng có tính tương đối của nó, khi học luật hãy đừng suy nghĩ tiêu cực về nghề luật của chúng tôi như vậy nhé, bởi vì:
- Chúng tôi không bao giờ đọc thuộc luật đâu. Các quy định pháp luật nhiều lắm, tôi làm luật hơn 5 năm mà bảo tự nhiên đọc thuộc một điều luật nào là một điều không tưởng. Hiện tại bạn có thể dễ dàng tìm thấy các quy định pháp luật trên internet nhé với đủ các công cụ để tra cứu, dẫn chiếu. Vấn đề là bạn hiểu và áp dụng chúng có chính xác hay không mà thôi.
- Học luật quan trọng là các bạn rèn luyện được một tư duy phân tích và phản biện. Đó là khi tiếp xúc với một vấn đề bạn cần chọn lọc, xâu chuỗi các thông tin, đặt ra các vấn đề và giải quyết các vấn đề liên quan.
Ngoài ra, học luật cũng như dạng học nghề và vì vậy không chỉ có kiến thức mà cần có các kỹ năng mềm liên quan, vì vậy hãy chú ý rèn luyện những kỹ năng này nhiều nhé.
3. Thành công rồi tôi sẽ thuê phiên dịch
Thế hệ của tôi ngoại ngữ là một lợi thế nhưng có lẽ đối với những bạn trẻ đọc bài viết này có lẽ lại là một điều bắt buộc. Các bạn còn chưa biết đâu, tuổi cầu thủ bóng đá chỉ cùng lắm đến 35 thôi trong khi tuổi nghề trong ngành luật thì dài lắm. Tôi còn thấy những luật sư hơn 70 tuổi còn xông xáo tại các tòa mà gừng càng già càng cay nhé. Trong khi đó, mỗi năm hơn 4000 sinh viên luật mới ra trường. Cạnh tranh việc làm trong ngành luật đang trở nên ngày càng gay gắt hơn bao giờ hết. Thử nghĩ các bạn sẽ có gì để so sánh với các bậc đàn anh đàn chị đầy đủ kinh nghiệm trong cạnh tranh việc làm đây. Ngoài ra nếu các bạn rẽ hướng sang kinh doanh thì dĩ nhiên ngoại ngữ lại vô cùng cần thiết rồi.
Vì vậy, ngay từ năm nhất nên tận dụng thời gian khi chưa có quá nhiều áp lực từ các môn chuyên ngành, tự trang bị cho mình khả năng ngoại ngữ pro là điều nên và cực kỳ nên làm đấy.
4. Học một ngành luật thôi là đủ xài rồi.
Việc phân chia thành các ngành luật như luật thương mại, luật dân sự, Luật hình sự …. chỉ mang tính chất tương đối. Các ngành luật hay các môn học luật đều có những mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Thông thường một người học luật cho dù học chuyên ngành nào cũng cần phải có một hệ thống kiến thức pháp luật nền tảng về tất cả các lĩnh vực. Trên cơ sở đó, người ta có thể chuyên sâu vào một hoặc một vài lĩnh vực cụ thể. Hơn nữa, khi giải quyết một vấn đề phát sinh trên thực tế thì đa số các trường hợp người ta đều phải liên kết kiến thức thuộc các mảng, lĩnh vực khác nhau. Ví dụ để xử lý một tranh chấp về thừa kế, bên cạnh những quy định pháp luật về dân sự, chúng ta cần nắm những quy định về pháp luật hành chính trong các thủ tục khai nhận di sản. Rồi biết đâu trong vụ đó lại có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự nữa chứ. Do đó, nếu nói tôi học luật kinh tế hay luật thương mại thì tôi không cần quan tâm đến các môn luật hình sự, luật dân sự thì sẽ là một sai lầm rất lớn đấy.
5. Nên sớm tìm kiếm cơ hội thực tập trong môi trường làm việc thực tế
Ở một số quốc gia, nghề luật được xem là dạng nghề dạy nghề. Kiến thức là cái chúng ta có thể cập nhập khi còn là sinh viên cũng có thể tự cập nhập trong quá trình làm việc. Kỹ năng phân tích vấn đề, xử lý tình huống, ngược lại, chỉ có thể được bồi đắp qua môi trường và những công việc thực tế. Vì vậy, ngay từ khi bước chân vào cổng trường đại học, các bạn nên chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng đi thực tập ngay khi có thể. Liên quan đến vấn đề này, sinh viên luật cần lưu ý:
- Việc thực tập như nói ở trên chỉ bao gồm thực tập tại các công ty luật, các phòng pháp chế, tòa án hay viện kiểm sát. Việc làm tại các quán cafe, bán thời gian cũng có những lợi ích nhất định nhưng không thuộc phạm vi nói đến ở bài này.
- Khi thực tập nên có thái độ cầu thị. Những công việc như xử lý văn bản, photo, sắp xếp tài liệu sẽ làm các bạn chán nản. Nhưng bên cạnh đó chúng ta có thể tiếp xúc cách các luật sư xử lý các tình huống trên thực tế, quản lý công việc, tranh luận…. Việc giao tiếp, va chạm hàng ngày cũng là cơ hội để khắc phục tâm lý nhút nhát hay thấy ở các bạn sinh viên.
Nguồn bài viết: Thế giới Luật