A.MỞ ĐẦU
Trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay, con người chịu sự ràng buộc, chi phối của những quy tắc xử sự khác nhau do đạo đức, phong tục, tập quán, pháp luật….Một trong số đó, là pháp luật, một công cụ vô cùng quan trọng và không thể thiếu trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trên mọi khía cạnh đời sống xã hội. Pháp luật có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo được sự ổn định về an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ đời sống của người dân. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, em quyết định chọn đề tài số 08: “Vai trò của pháp luật trong việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội ở Việt Nam hiện nay” làm bài tập lớn của mình.
B. NỘI DUNG
I. Các khái niệm
Pháp luật xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hệ thống các quy tắc xử sự chung mang tính bắt buộc do nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí nhà nước, là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội vì mục đích và lợi ích của nhân dân, vì sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa trên đất nước Việt Nam với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
An ninh là yên ổn, không có rối loạn. Nói đến an ninh quốc gia là nói đến sự yên ổn của một quốc gia, ở bên trong thì không có rối loạn, không bị chia cắt; ở bên ngoài thì không bị các quốc gia khác quấy nhiễu, xâm phạm, không bị lệ thuộc vào quốc gia khác và các tổ chức quốc tế. Ở nước ta, bảo vệ an ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. An ninh quốc gia gồm an ninh trên các lĩnh vực : chính trị, tư tưởng – văn hóa, xã hội, quốc phòng, đối ngoại trong đó quan trọng nhất, là cốt lõi và xuyên suốt chính là lĩnh vực an ninh chính trị, văn hóa – tư tưởng.
Trật tự an toàn xã hội là hệ thống các quan hệ xã hội được hình thành và điều chỉnh bởi hệ thống các quy phạm pháp luật của nhà nước và các chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục trong đời sống cộng đồng của một dân tộc, một quốc gia, nhờ đó, mọi công dân sống và lao động có tổ chức, có kỉ cương, mọi lợi ích chính đáng được bảo đảm không bị xâm hại.
II. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội ở Việt Nam hiện nay.
1. Tình hình an ninh.
Tình hình an ninh đặc biệt là an ninh quốc gia trong những năm qua nổi lên những vấn đề khá phức tạp và nhạy cảm. Một số tổ chức phản động đưa ra các lời kêu gọi lật đổ và tiếp tay, kích động cho các hoạt động chống đối của bọn phản động trong nước. Cùng với đó là các thế lực thù địch với mục đích ngăn cản nước ta đi lên xã hội chủ nghĩa. Hiện tại, có nhiều đài phát thanh và chương trình do bọn phản động lưu vong tham gia. Trong đó có 5 chương trình, 300 báo được thực hiện ở Mỹ, có 175 tờ báo chống cộng như, “Hoa sen”, “Công luận”,…, các hoạt động có sự phối hợp với các nước đế quốc nhằm xuyên tạc, nói xấu, kích động gây mất ổn định trong nước. Trong những năm qua, tình hình lộ bí mật, mất thông tin bí mật về kinh tế đã xây ra ở nhiều cơ quan, xí nghiệp và gây ra nhiều thiệt hại.
Trong nhiều năm qua đã xuất hiện nhiều điểm nóng về an ninh trật tự, xuất phát từ những bất bình của nhân dân do những việc làm sai trái, thiếu sót của cán bộ trong việc giải quyết, đền bù đất đai chưa công bằng dẫn đến một số bộ phận nhân dân đã bị quá kích động, đây là nguyên nhân tiềm ẩn để các thế lực thù địch nhằm vào để gây kích động, mất ổn định xã hội.
Tình hình an ninh biên giới, hải đảo còn nhiều phức tạp. Các hoạt động xâm nhập qua biên giới diễn ra dưới nhiều hình thức, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép vẫn còn tồn tại. Lợi dụng mối quan hệ giữa các dân tộc hai bên biên giới để chúng móc nối, lôi kéo, chia rẽ các dân tộc gây bạo loạn. Gần đây nhất, Trung Quốc đã đưa trái phép dàn khoan HD 981 vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam.
2. Tình hình trật tự an toàn xã hội.
Trong những năm qua, các loại tệ nạn ở nước ta ngày càng tăng như cướp giật, mại dâm, cờ bạc, nghiện hút,… Tình hình tai nạn giao thông tuy đã giảm nhưng vẫn rất phức tạp và nghiêm trọng .Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia vừa có Báo cáo nhanh số 607/VP ngày 23/11/2015 về tình hình TTATGT tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2015; trong đó, toàn quốc xảy ra 20.628 vụ TNGT trong 11 tháng đầu năm 2015.
Tình hình tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, tội phạm kinh tế, tội phạm ma túy trong những năm qua có những diễn biến phức tạp. Bình quân hang năm có khoảng 70000 vụ phạm tội được phát hiện, trong đó các vụ án giết người, cướp của có xu hướng tăng. Thành phần đối tượng phạm tội rất đa dạng, thủ đoạn gây án ngày càng tinh vi xảo quyệt với phạm vi hoạt động là tất cả các địa bàn trong nước. Tổ chức tội phạm ma túy có sự liên kết ở trong nước lẫn quốc tế, quy mô, tính chất ngày càng lớn và ác liệt.
III. Vai trò của pháp luật trong việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
1. Pháp luật là vũ khí chính trị chống lại các lực lượng thù địch.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã giành lại được chính quyền từ tay thực dân phong kiến, hủy bỏ pháp luật chế độ cũ, xây dựng một chế độ chính trị mới như ngày hôm nay. Tuy nhiên, các lực lượng thù địch, phản cách mạng vẫn không ngừng phản động, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân. Bên cạnh đó, pháp luật thực hiện các biện pháp cưỡng chế rất nghiêm ngặt đối với các hành vi xâm hại lợi ích của giai cấp thống trị, tổn hại đến lợi ích quốc gia.
2. Pháp luật là công cụ bảo đảm vững chắc nền an ninh quốc gia.
Sau hai cuộc kháng chiến lớn bảo vệ đất nước, cho đến nay, nhờ có pháp luật và các chính sách hợp tác quốc tế dựa trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi quốc gia mà nền an ninh quốc gia được bảo đảm khá chặt chẽ.An ninh quốc gia là sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự bất khả xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.Pháp luật quy định rõ “Bảo vệ an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. Cơ quan, tổ chức, công dân có trách nhiệm,nghĩa vụ bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật” (Điều 8, Luật an ninh quốc gia.)
3. Vai trò của pháp luật trong việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội thể hiện ở nhiều lĩnh vực như đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.
- Trong lĩnh vực an sinh xã hội: Pháp luật tạo cơ sở pháp lí cho việc hình thành, phát triển thị trường lao động có cơ cấu, tổ chức ngày càng phù hợp. Pháp luật là cơ sở xây dựng nền y học tiên tiến, dân tộc và hiện đại, là cơ sở pháp lí quan trọng trong bảo đảm sự tham gia của xã hội trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần bảo đảm công bằng xã hội. Đối với chính sách xóa đói giảm nghèo, pháp luật quy định biện pháp hỗ trợ trực tiếp đối với các hộ nghèo và các chủ thể tham gia phát triển kinh tế xã hội vùng sâu, vùng xa. Trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn có các ưu đãi về quyền sử dụng, chuyển nhượng hoặc thế chấp quyền sử dụng đất… được quy định cụ thể trong Luật đất đai,…
- Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Pháp luật cụ thể hóa các chính sách bảo vệ môi trường, khuyến khích những hành vi liên quan đến việc tuyên truyền bảo vệ môi trường, khai thác hợp lí tài nguyên thiên nhiên đồng thời đề ra những biện pháp trừng trị thích đáng với những hành vi có ảnh hưởng xấu đến môi trường như săn bắn, khai thác trái phép,…
- Trong lĩnh vực an toàn giao thông: Pháp luật tạo hành lang pháp lí đầy đủ cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ thông qua việc ban hành Luật giao thông đường bộ nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đề cao ý thức trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân để đảm bảo giao thông đường bộ thông suốt, trật tự, an toàn, thuận lợi phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
- Trong lĩnh vực phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội: Để phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và tệ nạn xã hội, pháp luật đã đề ra những biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc quy định các chế tài xử phạt, đề cao trách nhiệm của các nhân, tổ chức trong phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Pháp luật cũng khuyến khích những hoạt động bảo vệ công lý, quy định chính sách khen thưởng hợp lí với những người có công trong phòng chống tội phạm. Ngoài ra pháp luật cũng giảm nhẹ hình phạt cho những người phạm tội biết hối cải.
IV. Một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao vai trò của pháp luật trong việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
1. Hoàn thiện pháp luật nhằm đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Có rất nhiều con đường để hoàn thiện pháp luật, bổ sung pháp luật, trong đó con đường tập hợp hóa và pháp điển hóa là con đường đơn giản nhất… Đồng thời phải tiến hành xây dựng pháp luật nhằm làm cho ý chí của nhà nước đi cùng với đời sống. Việc xây dựng pháp luật tiếp tục phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
Thứ nhất, Trình bày các quy định trong văn bản pháp luật theo một logic nhất định và một mối liên hệ rõ ràng, tránh vòng vo, rườm rà.
Thứ hai, Trình bày chính xác, rõ ràng và dễ hiểu các thuật ngữ pháp lý.
Thứ ba, Lược bỏ đến mức tối đa các văn bản về cùng một vấn đề.
Thứ tư, Các quy phạm pháp luật phải phù hợp với độ phát triển của xã hội, phản ánh đúng thực tế vì pháp luật chỉ phát huy được tác dụng khi nó hợp với cuộc sống đúng quy luật.
Thứ năm, Pháp luật phải đồng bộ, thống nhất. đầy đủ và từng bước hoàn chỉnh, quản lý chặt chẽ xã hội.
Thứ sáu, Khắc phục tình trạng pháp luật hiện nay có nhiều kẽ hở.
2. Khi luật đã được ban hành, phải hướng dẫn chi tiết.
Khi pháp luật đã được ban hành, việc thể chế hóa kịp thời bằng các văn bản pháp quy dưới luật, hướng dẫn chi tiết việc thực hiện là yêu cầu cấp thiết. Có như vậy pháp luật mới nhanh chóng đi vào cuộc sống.
3. Thường xuyên tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức trong các tầng lớp nhân dân, để nhân dân biết và nghiêm chỉnh thi hành thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời thưởng phạt nghiêm minh theo đúng pháp luật, để pháp luật ngày càng đi vào cuộc sống, góp phần thiết thực thúc đẩy xã hội Việt Nam phát triển.
4. Đấu tranh phòng, chống tội phạm; bảo vệ an ninh chính trị; an ninh kinh tế; an ninh biên giới, hải đảo
+ Đảm bảo bình đẳng giữa các dân tộc. Ngăn ngừa, đấu tranh với cá hoạt động lợi dụng dân tộc ít người để làm việc trái pháp luật, kích động gây chia rẽ giữa các dân tộc.
+ Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá hệ thống chính trị, gây chia rẽ , mất đoàn kết, làm tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên.
+ Đấu tranh chống sự công kích, bôi nhọ, nói xấu của các thế lực thù địch đối với chủ nghĩa Mác-lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, ngăn chặn các hành động truyền bá văn hóa phẩm phản động, đồi trụy, thiếu lành mạnh, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
+ Phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi phạm tội. Điều tra kĩ lưỡng tội phạm để đưa ra xử lí trước pháp luật đảm bảo đúng người, đúng tội. Giáo dục, cải tạo người phạm tội giúp họ nhận thức được lỗi lầm, cố gắng cải tạo, tái hòa nhập với cộng đồng, trở thành người lương thiện, sống có ích cho xã hội.
+ Bảo vệ sự ổn định, phát triển vững mạnh của nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chống các biểu hiện chệch hướng và các hoạt động phá hoại cơ sở vật chất – kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội, phá phá hoại nền kinh tế.
+ Chống lộ, lọt những thông tin bí mật của các tổ chức, cơ quan đặc biệt là các cơ quan nhà nước. Ngăn chặn các hoạt động khai thác thông tin trái phép, dò tìm mật mã, mật khẩu để đánh cắp thông tin.
+ Bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, cả trên đất liền, trên biển đảo và cả bầu trời. Chống các hành vi xâm phạm chủ quyền quốc gia, các thế lực thù địch lợi dụng xuất, nhập cảnh của Việt Nam để thực hiện các hành vi trái phép.
C. KẾT LUẬN
Đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp thiết của các nhà nước trên thế giói nói chung và nhà nước Việt Nam nói riêng. Để giải quyết được những vấn đề đó không thể không cần đến pháp luật. Trên cơ sở pháp luật, chúng ta mới giữ vững được trật tự, an toàn xã hội cùng với bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia góp phần ổn định tình hình, làm nền tảng cho sự phát triển của đất nước về mọi mặt, đảm bảo cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Là một cá nhân trong xã hội, em sẽ nghiêm chỉnh thực hiện đúng pháp luật để góp phần vào việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Giáo trình : “Lý luận nhà nước và pháp luật”, Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân
2. Luật An ninh quốc gia, ngày 14 tháng 12 năm 2004
3. http://kangminguyen.blogspot.com/2011/04/1noi-dung-bao-ve-ninh-quoc-gia-trat-tu.html
4. http://www.mt.gov.vn/tthc/tin-tuc/38829/giam-gan-3-000-vu-tngt-trong-11-thang-dau-nam-2015.aspx
5.“Vai trò pháp luật trong đời sống xã hội”,Nguyễn Minh Đoan, Nxb Chính trị, quốc gia, Hà Nội,2008.
6. “Pháp luật, lối sống và văn hóa công sở”,Nguyễn Minh Đoan, Nxb Tư pháp