Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động. (Khoản 7, Điều 3, Bộ luật Lao động 2012)
Tranh chấp trong quan hệ lao động bao gồm tranh chấp giữa cá nhân người lao động hoặc tập thể người lao động với người sử dụng lao động. Đối với mỗi loại tranh chấp lao động sẽ được giải quyết thông qua những phương thức khác nhau:
Tranh chấp lao động cá nhân:
Là tranh chấp về bất cứ quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên trong suốt quá trình làm việc như điều kiện, địa điểm, môi trường làm việc, tiền lương, chế độ đãi ngộ, bảo hộ lao động, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ…
Phương thức giải quyết thông qua: Hòa giải viên lao động, Tòa án nhân dân.
Tranh chấp lao động tập thể:
1. Tranh chấp tập thể về quyền là tranh chấp phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau về quy định pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thoả thuận hợp pháp khác.
Phương thức giải quyết: Hoà giải viên lao động, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Toà án nhân dân.
2. Tranh chấp tập thể về lợi ích là tranh chấp phát sinh từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác trong quá trình thương lượng.
Phương thức giải quyết: Hoà giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động.
Như vậy, theo quy định hiện hành, dù phát sinh bất kỳ tranh chấp nào với người sử dụng thì để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp tốt nhất; người lao động có thể nhờ đến sự can thiệp của cơ quan Nhà nước và Tòa án nhân dân.