Vào năm 1990, tôi đã quyết định bỏ học đại học Bách khoa Hà nội để chọn học ngành luật Đại học Tổng hợp, một ngành mới được mở lại sau hàng chục năm gián đoạn vì chiến tranh và vì nhiều lý do, mà về sau này tôi hiểu là người ta “chưa học” được cách dạy và vận hành chương trình dạy luật thì như thế nào?
Tôi lựa chọn việc học luật từ 2 lý do rất cá nhân.
Thứ nhất, tôi say mê với các câu chuyện trinh thám từ nhỏ, và theo đó, tôi thấy hầu như các luật sư, các điều tra viên, đều là những người thông minh xuất sắc, hành động vì lẽ phải và biết cách bảo vệ mình, bảo vệ điều đúng đắn của xã hội.
Thời những năm 90s, chưa có mô hình Batman hay Superman, nhưng rõ là lý tưởng vì một xã hội tốt đẹp, để bảo vệ những con người yếu thế trong xã hội thì thời nào cũng nhiều hình ảnh, thần tượng. Có lẽ các phim ảnh và câu chuyện về những người anh hùng, mà từ thời của Robinhood, là để dân chúng quên đi thực tế đau thương mà hàng ngày họ phải đối mặt: họ luôn là lực lượng yếu thế, luôn dễ bị tổn thương và luôn dễ bị pháp luật (dù chính thức hay phi chính thống) chèn đè. Những người hiểu biết luật pháp thường hiểu và biết cách bảo vệ mình và lẽ phải, giống như bác sỹ biết chữa bệnh cho mình và cho xã hội, giáo viên dạy học cho mình và cho con cái mọi người… Thời thơ ấu, với những câu chuyện và phim ảnh đầy lý tưởng, về những con người đẹp đẽ và vì con người đã là một phần cơ bản lý do cho lựa chọn học luật của tôi.
Lý do thứ hai xuất phát từ chính cuộc đời tôi. Khi tôi lên lớp 3, tôi được chứng kiến cảnh một bạn lớp trưởng, chỉ vì mẹ là trưởng ban phụ huynh và thân quen với cô giáo, đã dám ra lệnh buộc các bạn trong lớp phải chạy vòng quanh gốc cây, chỉ để chứng minh quyền lực của lớp trưởng! Khi tôi phản đối, vì chạy 10 vòng xong là quá mệt, tôi không chạy nữa, lớp trưởng đã ra thị uy quyền lực và cuối cùng, tôi đã bị kỷ luật vì dám ‘đánh nhau” trong giờ tập thể dục, nâng cao năng lực thể chất của học sinh. Vì việc này, hạnh kiểm của tôi bị ghi “trung bình” trong suốt lớp 3 và lên các lớp trên, tôi luôn được đánh giá hạnh kiểm trung bình và khá.
Sau đó, khi tôi học lớp 8, tôi được chứng kiến một lần nữa sức mạnh của quyền lực đối với cá nhân từng con người. Mẹ tôi được dùng làm “thí tốt” cho vợ Phó Giám đốc bệnh viện. Do những sai sót trong xử lý ca trực của một người bác sỹ yếu kém về nghiệp vụ, nhưng do là vợ lãnh đạo, nên khi gây ra cái chết cho một em trai mới 17 tuổi, bị gia đình kiện, đã đổ hết trách nhiệm cho mẹ tôi, một người không hề liên quan, nhưng vô cùng phù hợp cho vị trí “người chịu tội”. Mẹ tôi là một bác sỹ giỏi, nhưng vì không Đảng viên, không tham gia bất kỳ vị trí lãnh đạo nào, không chịu luồn cúi ai trong khoa hay trong bệnh viện… nên việc đổ tội sang mẹ tôi, kết hợp với báo chí từ Nam chí Bắc viết bài kể tội, cứ như một trận “đấu tố” cả cuộc đời mẹ. Một đứa trẻ 15 tuổi, chưa hề hiểu biết pháp luật đúng sai, chỉ với niềm tin là mẹ mình đã làm việc thì luôn làm tận tâm, không thể để gây ra một chuyện như vậy. Tôi đã đứng lên cùng mẹ tôi, chép đi chép lại những diễn biến của ca trực, của vấn đề thực sự nằm ở đâu, và lý do tại sao đây không phải là trách nhiệm của mẹ tôi…Cả một hệ thống quyền lực, nhân danh những mỹ từ cao cả trong quản lý lãnh đạo bệnh viện, chỉ để làm sao đổ tội sang cho mẹ tôi! Phúc đức cho gia đình chúng tôi, người cha của em bé đã chết lại chính là người đã làm đơn phản đối việc kỷ luật và đổ tội trái đạo đức cho mẹ tôi. Chính gia đình em bé đã là người làm rõ sự thật, và cùng với những con người tử tế ở bệnh viện, đã buộc thanh tra y tế phải điều tra và làm rõ lại sự việc. Hai năm, cho một cái chết của một em bé 17 tuổi, và cho một cuộc sống nửa chết nửa sống của một bác sỹ, và cả một gia đình, với ngày ngày họp kiểm điểm, báo cáo, với báo chí ăn tiền của lãnh đạo bệnh viện viết bài điều tra cáo buộc mẹ tôi về cái chết của bệnh nhân! Cuối cùng, sự thật cũng được tìm ra… nhưng không một ai phải xin lỗi mẹ tôi, gia đình tôi… không một báo chí nào viết lời cải chính về quyết định cuối cùng của bộ y tế về nguyên nhân gây ra cái chết của một em bé 17 tuổi. Vì sao lại thế
Tôi muốn tìm lại sự công bằng cho mẹ tôi, cho gia đình tôi, và tôi tin vào việc luật pháp và thể chế pháp quyền sẽ là điều duy nhất có thể giúp cho những con người như chúng tôi có được sự bảo vệ tối thiểu. Đó chính là lý do không gì mãnh liệt hơn, để thúc đẩy tôi đi học luật.
Điều mà cho đến giờ, tôi nghĩ cuộc đời đã cho tôi một sự may mắn. Đó là thời đại học, khi tất cả các giáo viên dạy tôi đều là thế hệ đầu tiên của Việt nam đi học ở nước ngoài về (hầu hết cũng chỉ ở Nga và Đông Đức), nhưng ít nhất, tư tưởng tự do nhất định, đặc biệt là những thầy ở Đức, đã đưa những khái niệm, những triết học, những mô hình, ở đâu đó trên thế giới, về Việt nam, trong một bối cảnh rất thiếu hụt thông tin, đã mở ra những chân trời về học thuật cho cá nhân tôi. Hầu hết các giáo sư thời đó đều là những con người hàng đầu của Việt nam, vào lúc đó và sau này, trong chuyên ngành của họ, và may mắn là, tôi được các thầy coi như bạn bè…. Chúng tôi đã có thể ngồi để tranh luận hàng giờ về những mô hình kinh tế, về luật biển hay những quy định về chuyển giao công nghệ sẽ mở cửa Việt nam với thế giới như thế nào. Cuộc sống của tôi thời đại học đã giúp tôi định hình được về những nền tảng cơ bản của một xã hội tiến bộ, một mô hình giáo dục tiến bộ là như thế nào, mặc dù, Việt nam vẫn còn xa mới có thể đạt được, nhưng tất cả chúng tôi, từ những thầy cô (nhưng chính họ đều là những chuyên gia chuyên ngành), những sinh viên và nhiều nhà lãnh đạo thời đó (Võ Văn Kiệt) đều tin vào tương lai tươi sáng của một Việt nam, sau khi mở cửa kinh tế năm 1996.
Hơn 20 năm sau, tôi đã thất bại với những gì tôi đã học và làm theo luật pháp của mình. Tôi đã không thể bảo vệ được chính bản thân mình, với luật pháp mà tôi đã được học và do chính những luật sư, những bạn bè học và hành nghề luật sư. Đơn giản là, vào những năm 1990, khi chưa ai và chưa bao giờ có khái niệm về “đầu tiên” trong các quan hệ xã hội, ít nhất, để đổ tội cho mẹ tôi, người ta phải dùng đến cả một hệ thống chính trị “nhân danh” và báo chí đánh hôi. Còn đến thời của tôi, những năm 2010-2012, để chống lại một người lao động có đầy đủ chứng cứ và lý lẽ pháp luật, câu chuyện chỉ là “án này với giá bao nhiêu?” Nếu tôi không chịu tiền án đó, thì dù có đủ bằng chứng và lý lẽ, tôi vẫn thua. Báo chí, trong trường hợp này, ban đầu đã quan tâm tới vụ án của tôi với lý do là để bảo vệ lẽ phải, nhưng hóa ra, báo chí giờ này phải đi tìm đến tòa án và thẩm phán để kiếm tiền từ những tranh chấp tại tòa, thậm chí có thể tổ chức ‘dàn xếp” giữa các bên như một tổ chức thu xếp án độc lập bên ngoài tòa!
Vậy là, 20 năm hành nghề luật trở nên vô giá trị trước những đồng tiền chạy án! 20 năm trước, ít nhất nhờ có sự trung thực của gia đình bệnh nhân và những con người còn lương tâm trong sạch trước quyền lực và đảng phái, họ vẫn giữ được trung thực trong công việc họ phải làm. 20 năm sau, trung thực thất bại thảm hại trước sức mạnh của đồng tiền, và ở những cơ quan bảo vệ pháp luật!
Đây chính là một phần lý do tôi muốn đi học tiếp ở nước ngoài, để tìm hiểu xem, liệu các nước khác nó thế nào.
Việc tôi muốn đi học ở nước ngoài, muốn đưa con tôi đi học ở nước ngoài, hóa ra, lại được nhiều người quan tâm hơn tôi tưởng. Hóa ra, những gì tôi đã làm với 20 năm trong nghề của mình, có vẻ lại có khả năng hữu dụng cho những con người đã sẵn sàng ép luật pháp “chết” tại vụ việc của tôi! Lại một câu chuyện dài trong 3 năm, nhưng được chuẩn bị từ hơn 5 năm, để “chôm chỉa” những gì còn lại của tôi, mà họ nghĩ có thể dùng được.
Ra học ở nước ngoài, tôi cũng đã học được nhiều điều, dù cũng chỉ là muối bỏ biển trong một thế giới hỗn loạn này. Nếu hỏi tôi học được điều gì hay nhất, có lẽ tôi cũng vẫn phải nhắc đến bài học, mà thầy giáo tôi, tất cả, đã dạy tôi ở đại học, hơn 27 năm trước đây, “Quyền lực, hay chân lý, thuộc về kẻ mạnh”.
20 năm sau khi ra trường, tôi có dịp về thăm lại các thầy cô của mình. Hầu hết, họ đều chỉ là những chuyên viên hay nghiên cứu trong ngành của mình, mà không tham gia vào bộ máy quản lý. Có hơn 5 người thầy xuất sắc của tôi, đã từ chối không nhận làm những chức vụ, mà họ xứng đáng hơn cả bộ trưởng của họ, chỉ vì điều đó giúp họ giữ “lòng tự trọng” của một con người.
27 năm sau khi ra trường đại học, và quay trở lại một đại học nước ngoài khác để học, tôi được biết về “lòng tự trọng” của những giáo sư, những con người làm việc ở đại học, cần phải được “mềm dẻo”, bởi vì nếu không, bạn sẽ không có gì cả. Cây gậy và củ cà rốt, sự phối hợp giữa cái gọi là “tư bản” trong giáo dục với những giá trị nhân văn được dùng để “nhân danh”, đã làm biến dạng đi người thầy mà tôi hằng kính trọng.
Những khái niệm về xã hội dân chủ, xã hội tự do, về con người và những quyền của nó, có là gì, khi bất kỳ ai, có quyền lực, có tiền, có thể nhân danh “mục đích” để dùng những người khác làm “phương tiện” của mình.
Hôm qua, khi tôi đọc được câu hỏi “Bạn đến Việt nam vì điều gì, vì tổ quốc (Mỹ) hay vì Bắc Việt?”, trong một nghiên cứu về những thách thức mà cựu binh lính Mỹ phải đối mặt khi họ quay trở về sau chiến tranh Việt nam, tôi chợt nhận ra, sau 42 năm của cuộc chiến, tôi, một phụ nữ nhỏ bé và có niềm tin vào những giá trị nhân văn của một xã hội Mỹ, tôi cần tự hỏi mình, “Tôi đến Mỹ vì điều gì? Vì niềm tin vào giá trị con người và xã hội Mỹ? Hay để chạy trốn những đau đớn về những đổ vỡ trong niềm tin về pháp luật, nơi mà tôi được dạy để tin, và không thể tìm được điều đó, dù đó là Mỹ?”
Sự thất bại của cuộc đời tôi, có thể sau này tôi chưa rõ, nhưng cho đến nay, khi tôi 44 tuổi, tôi đã nhìn ra, là do sai lầm của những niềm tin.
Nếu chúng ta đã tin, chúng ta thường sống hết lòng với niềm tin đó, cho đến khi nó làm trái tim chúng ta tan vỡ.
Hỡi những bạn trẻ đang xếp hàng nộp đơn vào học luật, hay học bất kỳ ngành gì trong xã hội! Tôi mong các bạn hãy học từ cuộc đời, thay vì mất thời gian 4 năm cho đại học. Đại học hay bất kỳ chương trình nào cũng không bao giờ dạy được cho bạn cách phản kháng lại những điều mà chỉ xảy ra trong cuộc sống. Không ai có thể dạy bạn, cách bạn có thể đối mặt với sự phản bội, sự lừa dối, nhất là khi bạn chỉ là một con người nhỏ bé…
Từ góc nhìn ở đây, bạn ca ngợi bên kia, từ góc nhìn bên kia, bạn thấy hết được sự khốn khổ của bên đây…mà tất cả, như một người bạn tôi đã tổng kết “Tiền điều khiển hết”! Vậy, để nắm được nguyên lý này, đâu có cần phải mất quá nhiều thời gian với những nguyên lý, định luật, triết học nữa, đúng không?
Nhất là, hãy cảnh giác với bất kỳ khẩu hiệu nào đẹp đẽ, bởi ẩn sau những khẩu hiệu đó, nào ai biết, những chương trình, những dự án sẽ tiêu biết bao nhiêu tiền, mà phần dành cho những người thực sự cần điều đó, những người như bạn hay như tôi, chỉ còn là chút “cặn”?
Đừng nhầm lẫn về thể chế, về pháp quyền, về vị trí bạn đang là ai, để tránh những thất bại trong cuộc đời.
Xã hội hiện nay đã và tiếp tục sẽ là “1% nắm giữ 99% tài sản, tài nguyên, và tất cả những gì có giá trị của cả nhân loại”, bất kể nó khoác trên mình mầu sắc nào. Xin bạn đừng ảo tưởng như tôi nhé!
Nguyễn Thị Lan Hương
Thạc sỹ Luật – Nghiên cứu sinh Giáo dục Mỹ
Nguồn: Newasia Global Learning