Án phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải nộp cho Tòa án để bù đắp các chi phí mà cơ quan này phải chi khi xét xử một vụ án.
Án phí gồm án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm; có nhiều loại án phí như án phí hình sự, án phí dân sự (gồm có các loại án phí giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động), án phí hành chính.
Trong quan hệ lao động, mọi mâu thuẫn đều rất dễ phát sinh tranh chấp và khi các mâu thuẫn không thể tự thương lượng, hòa giải thì nhờ pháp luật giải quyết là phương án tối ưu nhất nên thực hiện.
Hầu hết các yêu cầu giải quyết vụ việc hay vụ án hiện nay đều phải nộp án phí. Tuy nhiên, theo Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ban hành ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong lĩnh vực lao động, có 08 trường hợp người lao động được miễn án phí. Đó là khi người lao động khởi kiện:
- Đòi tiền lương;
- Đòi trợ cấp mất việc làm;
- Đòi trợ cấp thôi việc;
- Đòi các chế độ liên quan đến bảo hiểm xã hội;
- Đòi tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Giải quyết các vấn đề trong bồi thường thiệt hại;
- Liên quan đến việc bị sa thải;
- Liên quan đến việc bị chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.
Có thể thấy, 08 trường hợp này đều ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng lao động, việc làm, thu nhập và chế độ của người lao động. Chính vì vậy, việc miễn án phí là cần thiết.