8 lí do bạn không nên trễ giờ nơi công sở

Bất cứ cuộc hẹn nào của bạn như gọi điện cho khách hàng, họp với đồng nghiệp hoặc cấp trên, hay tất cả các công việc đã được lên kế hoạch khác… bạn nên cố gắng đúng giờ. Sự chậm trễ chưa bao giờ được đánh giá cao nơi công sở, bởi các lí do sau đây.

1. Bạn thể hiện thái độ thiếu tôn trọng

Việc trễ giờ luôn thể hiện một thông điệp rằng thời gian của bạn quan trọng hơn thời gian của người khác và bất cứ điều gì bạn đang làm đều quan trọng hơn những gì họ có thể làm. Ngay cả khi đó là sự thật bởi vì bạn đang thực hiện một dự án quan trọng nhất đối với công ty nhưng nó cho thấy sự thiếu tôn trọng, thậm chí xem thường. Nó khiến mọi người đánh giá rằng bạn không đáng tin cậy, bất cẩn, vô tổ chức và nếu đó là đối tác thì chắc rằng họ sẽ xem xét lại việc hợp tác với bạn. Thế nên, đây là một thông điệp “khủng khiếp” để gửi đi trong mọi trường hợp.

2. Bạn sẽ không ở trong trạng thái tốt nhất

Việc đến muộn chắc chắn sẽ làm bạn ít nhiều lo lắng khi bạn bước vào cuộc họp hoặc cuộc hẹn. Có phải mọi người đang khó chịu hay không? Có phải bạn đã bỏ lỡ điều gì quan trọng hay không? Những lo lắng này xuất hiện trong đầu sẽ khiến bạn khó tập trung hơn vào vấn đề đang giải quyết, bất kể đó là gì. Bằng cách đến đúng giờ, bạn sẽ cho bản thân thêm vài phút để bình tĩnh, suy nghĩ về lập luận của mình và bạn có thể tự tin, đĩnh đạc và kiểm soát tình hình tốt hơn.

Xem thêm: Tuyển dụng chất ngất trên Facebook

3. Bạn đang lãng phí tiền bạc

Đi muộn có thể dẫn đến một số sai lầm tốn kém. Chẳng hạn, nếu bạn được trả lương theo lịch trình làm việc nghiêm ngặt từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều thì việc đến trễ một giờ, thậm chí vài phút bạn cũng sẽ bị trừ lương. Điều này đồng nghĩa rằng bạn đang lãng phí số tiền bạn có thể có được.

4. Bạn không biết cách quản lý thời gian

Một số người nghĩ rằng đi làm trễ hay xuất hiện muộn trong một cuộc họp hoặc các sự kiện ngụ ý rằng họ rất bận rộn và là nhân vật quan trọng. Thực tế, đây là một sai lầm. Sự chậm trễ, đặc biệt là chậm trễ trường kỳ chỉ cho thấy rằng bạn không biết cách (hoặc không muốn) quản lý thời gian của bạn một cách hiệu quả.

5. Không ai muốn làm việc với người không thể đảm bảo đúng thời hạn

Trễ giờ không chỉ được đề cập đến việc xuất hiện tại một cuộc họp hay sự kiện mà còn là không đáp ứng đúng thời hạn đặt ra. Thật khó để làm việc với một người không đáng tin cậy như vậy và không ai muốn làm việc với kiểu người đó. Có thể, lý do tại sao bạn hoàn thành muộn là để mang lại một kết quả tuyệt vời. Thế nhưng, công ty bạn có thể dễ dàng tìm được một người khác thay thế – người thậm chí có thể đạt được kết quả tốt hơn và hoàn thành đúng thời gian hơn bạn.

Xem thêm: 10 điều tâm đắc nhất trong “Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế”

6. Bạn sẽ không được lòng cấp trên

Siêng năng và trách nhiệm là điều rất quan trọng nếu bạn muốn đưa sự nghiệp của mình lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, khi bạn được biết đến như một người đến muộn, bạn sẽ không bao giờ là nhân viên được sếp tin tưởng và được thăng chức hoặc tăng lương.

7. Bạn đang làm xấu đi văn hóa công ty

Trễ giờ đi ngược lại với văn hóa công ty, chuẩn mực đạo đức và kỳ vọng của bất kỳ nhà quản lý nào. Dĩ nhiên đó là điều không nên có trong đời sống công sở của bạn. Đi làm muộn hoặc xuất hiện trễ trong các cuộc họp cho thấy sự bất cần và là dấu hiệu của sự thiếu trách nhiệm khi thực hiện công việc. Đúng giờ có vẻ là điều hết sức nhỏ nhặt so với những điều lớn lao ngoài kia, nhưng đó là một nơi tốt để cho thấy bạn có tinh thần trách nhiệm.

8. Đúng giờ không phải điều quá khó

Ngoại trừ các trường hợp khẩn cấp thực sự hoặc các lí do khách quan, thì bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được giờ giấc của mình và điều đó thật dễ dàng. Chắc chắn, bạn phải mất thời gian để lên kế hoạch nhằm giữ đúng tiến độ nhưng so với những thử thách mà bạn có thể gặp phải khi thiếu tổ chức, thì đó là một điều rất đáng giá.

Đến đúng giờ là một cách cực kỳ đơn giản để tạo ấn tượng tốt với người khác, khiến mọi người thích bạn và khiến bản thân bạn trông thật chuyên nghiệp. Vậy thì tại sao bạn không làm điều đó ngay bây giờ?

Theo: Huỳnh Trâm – Careerlink.vn