Hay sai sót, cẩu thả, không cẩn thận, v.v… nhiều khi do bất cẩn mà chúng ta mất mát rất nhiều, không chỉ là cơ hội, thời gian, mà còn cả tiền bạc.
Thật ra bất cẩn không phải là một thói quen cụ thể, nó thuộc về tính cách và lối sống nhiều hơn. Bạn cũng có thể coi nó là một thói quen rất lớn, bao gồm vô vàn những thói quen nho nhỏ gộp lại, và được rèn luyện từ thuở bé.
Do đó, sẽ không có một cách “mì ăn liền” để trị tật bất cẩn ngay lập tức. Nhưng sẽ có những thói quen nhỏ, giúp bạn hạn chế phần nào hậu quả do sự bất cẩn gây ra, và dần trở nên cẩn thận hơn.
Mẹo 1: Tập thói quen Double-check
Double-check là kiểm tra hai lần, mỗi lần cách nhau một khoảng thời gian nhất định, giúp bạn hạn chế được những sai sót không đáng có.
Chẳng hạn sau khi khóa cửa, bước đi vài bước thì quay lại nhìn hoặc sờ ổ khóa. Khi soát lại bài, thì soát hai lần, một lần từ trên xuống, một lần ngược lại từ dưới lên. Khi viết xong một email, bạn có thể copy nội dung của nó paste vào phần tin nhắn, rồi đọc lại trên điện thoại.
Hãy kiểm tra lại 2 lần, theo những cách khác nhau!
Mẹo 2: Để ý những chi tiết nhỏ
Đôi khi bất cẩn là do tật đại khái, thứ gì cũng chung chung, qua loa. Vậy thì chúng ta cần tập một thói quen ngược lại là chú ý tới từng chi tiết nhỏ.
Hãy thử dành thời gian quan sát một đồ vật bất kì trong nhà, để ý từng chi tiết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, đặt câu hỏi tại sao họ lại thiết kế như vậy?
Bạn cũng có thể quan sát một người, quan sát thói quen thường ngày của họ, quan sát các chi tiết trên quần áo, quan sát, quan sát, và quan sát. Đơn giản là quan sát thôi, đừng đánh giá hay phán xét gì cả.
Mẹo 3: Tập trung làm từng việc một
Nhiều khi bất cẩn là do sự mất tập trung. Tâm trí quá bận rộn với nhiều mối lo toan, nên không thể nào tỉnh táo được để làm một việc gì đó.
Hãy tập thói quen gạt hết mọi thứ có thể gây xao nhãng, trước khi bạn bắt tay vào làm một việc gì đó. Khi làm thì cố gắng tập trung hết sức vào nó, cho tới khi xong.
Ngoài ra hãy tham khảo thêm kỹ thuật Pomodoro để gia tăng hiệu quả công việc. Bạn có thể Google từ khoá này.
Những việc vĩ đại được bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Thói quen bạn làm 1 việc sẽ cho tôi biết việc bạn làm những việc khác. Vì vậy đừng nói: “Việc này nhỏ nên tôi làm thế, mai sau có việc lớn tôi sẽ làm khác đi”. Đấy là bạn nghĩ thế và tưởng tượng ra thế thôi, còn trong thực tế thì: bạn sẽ thất bại!
Hãy đừng chỉ khẳng định và tưởng tượng, hãy làm mọi việc một cách chỉn chu nhất có thể!
Nguồn: Hoàng Trung Dũng
Xem thêm:
Làm việc nhanh & tiết kiệm thời gian hơn với 25 phím tắt Outlook
Yêu cầu cơ bản khi soạn thảo Tờ trình