Đối với bất cứ một quốc gia nào trên thế giới, thì công lý và đảm bảo công bằng xã hội cho tất cả công dân của quốc gia đó là một trong những yêu cầu hàng đầu được đặt ra. Luật sư với sứ mệnh và chức năng xã hội của mình luôn được đặt niềm tin là người góp phần bảo vệ cán cân công lý, giúp đỡ những người yếu thế, đảm bảo để tất cả mọi người làm được hưởng sự công bằng. Có thể nói tại Việt Nam càng ngày Luật sư càng chiếm được một vị trí, vai trò quan trọng trong xã hội, đặc biệt là trong thời điểm hiện khi Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bổ sung năm 2012 đã có hiệu lực, ngày càng có nhiều Luật sư và tổ chức hành nghề được thành lập trong cả nước. Cùng với đó người dân cũng dần ý thức được sự cần thiết của Luật sư đối với vấn đề pháp lý mà họ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Họ tìm đến Luật sư thường xuyên hơn, thay vì tự mình giải quyết các vấn đề pháp lý, như vấn đề về thủ tục hành chính, những thỏa thuận hay Hợp đồng kinh tế được ký kết với sự tư vấn của Luật sư ngày càng tăng.
Nghề Luật sư ở Việt Nam hiện nay ngày càng phát triển và những đóng góp của Luật sư cho sự đảm bảo công bằng xã hội, bảo đảm pháp chế XHCN. Ngày 14/1/2013 Thủ tướng đã ký Quyết định 149/QĐ-TTg quyết định lấy ngày 10/10 hàng năm là ngày truyền thống nghề Luật sư. Bên cạnh đó, nghề luật sư phải đối diện với những tồn tại trong thực tiễn hành nghề. Những điều chỉnh về pháp luật với những qui định đúng đắn góp phần không nhỏ cho sự phát triển của đội ngũ luật sư, nâng cao trình độ, chất lượng luật sư.
Bên cạnh việc tham gia hoạt động tố tụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu và tham gia tố tụng trong các vụ án chỉ định, Luật sư còn tham gia đóng góp các ý kiến trong công tác xây dựng pháp luật, tác nghiệp cùng các cơ quan truyền thông để làm sáng tỏ các vấn đề xã hội, luật pháp, dân sinh…
Luật sư là người có hoạt động khoa học pháp lý ở vị trí người hướng dẫn pháp luật, luôn lấy việc bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải và công bằng xã hội làm mục tiêu cao quý. Trước khi là một Luật sư thì chính bản thân (mỗi luật sư tương lai) phải rèn luyện được tính độc lập, trung thực, khách quan, nhiệt tình trong công việc, không ngại khó, ngại khổ, không dồn trách nhiệm cho đồng nghiệp, cho người khác. Có người nói: “Đã là Luật sư cần phải có cái túi đựng giấy tờ và cái túi đựng sự nhẫn nại”.
Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Từ đó mới tạo dựng được niềm tin cho khách hàng khi “Có một luật sư đứng cạnh còn đáng giá hơn cả trăm nhân chứng”.
Luật sư cần hành nghề bằng cái đức, cái tâm của mình, phải hiểu được thiên chức cao quí của nghề, người bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế. Phẩm giá đó thiết nghĩ đến từ sự cương trực, vốn là biểu tượng của công lý trong xã hội, dù áp lực khó khăn vẫn không chùn bước. Phải dũng cảm và có bản lĩnh để vượt qua trở ngại, thử thách gặp phải trong quá trình hành nghề. Đó là một yêu cầu tự thân vận động nhằm chuẩn bị tâm thế cho mình khi đối đầu với những tình huống xung đột xảy ra trong quá trình tìm lẽ phải. Nghề Luật sư đem lại sự công bằng cho mọi người niềm tin vào pháp luật của người bảo vệ công lý, ở đó Luật sư là những người dũng cảm, có bản lĩnh hiệp sỹ mới thực hiện sứ mệnh cao cả của mình trên trận tuyến bảo vệ công lý. Do đó, Luật sư cần có nghĩa vụ phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề luật sư, thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, giữ gìn phẩm chất, uy tín nghề nghiệp, thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa trong hành nghề và lối sống để xứng đáng với sự tin cậy, tôn trọng của xã hội đối với Luật sư và nghề Luật sư trong thời kỳ mới.
Ngày 09/10/2018
Luật sư Lê Thu Hằng (Công ty Luật TAT Law firm)
Nguồn bài viết: Dân trí