Chào các bạn, Viecnganhluat.com xin chia sẻ bài viết hay “Gửi các bạn sinh viên luật năm nhất” của Thầy Nguyễn Minh Tuấn – Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cùng mình đọc nhé
Bạn là sinh viên luật năm thứ nhất?
Bạn còn bỡ ngỡ, lúng túng và chưa biết phải bắt đầu như thế nào để học luật có hiệu quả nhất?
Hôm nay, tôi có vài lời chia sẻ – những lời chia sẻ chân thành từ kinh nghiệm còn rất khiêm tốn của tôi – gửi đến bạn. Hi vọng bạn sẽ tìm thấy điều gì đó có ích cho mình từ những chia sẻ này.
Muốn đi đến một cái đích nào đó, có rất nhiều cách khác nhau. Có người đi bộ, có người đi xe máy, có người đi ô tô, có người đi máy bay và…có người đi mãi, đi mãi nhưng đi lạc đường và không bao giờ đến.
Làm thế nào để đi đến đúng đích, một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất? Đây chính là vấn đề tôi muốn chia sẻ với bạn – vấn đề phương pháp, cụ thể hơn là cách thức, chiến lược học luật sao cho hiệu quả nhất.
Phương pháp, tiếng gốc Hy Lạp là kết hợp của hai chữ “mesta” có nghĩa là đến và “hodós” có nghĩa là con đường. Phương pháp là con đường để đến một cái đích nào đó.
Trong khoa học pháp lý, phương pháp là cách thức tiếp cận, cách thức giải quyết một vấn đề pháp lý hoặc một tình huống pháp lý cụ thể.
Đọc luật, gắn các vấn đề pháp lý với thực tiễn cuộc sống
Bạn muốn biết điều gì luật cho phép, điều gì luật cấm và điều gì tùy nghi, tôi nghĩ không có cách nào khác tốt hơn là bạn phải trực tiếp đọc và hiểu các qui phạm pháp luật.
Khi đọc luật, bạn nên có hai thứ bên mình: bút và giấy. Bạn chỉ nên viết ra những những từ khóa hoặc đoạn mà bạn cho rằng quan trọng nhất liên quan vấn đề bạn đang tìm hiểu.
Khi đọc, bạn cần chú ý bốn điểm chính sau:
1.- Phải đọc kĩ, thậm chí đọc đi đọc lại điều luật, qui phạm pháp luật nhiều lần;
2.- Hiểu được ẩn sau qui phạm đó là những lợi ích nào, những vấn đề pháp lý nào, những lý do gì mà nhà làm luật lại qui định như vậy;
3.- Gắn qui phạm đó với bối cảnh xã hội và đòi hỏi của thực tiễn (đưa ra được ví dụ, trích dẫn chính xác được qui phạm khi giải quyết các tình huống pháp lý);
4.- Đề xuất phương án sửa đổi, hoàn thiện (nếu có).
Trước một tình huống hoặc vấn đề pháp lý diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, trước hết bạn sẽ phải tìm hiểu xem rằng những qui phạm pháp luật nào có ý nghĩa và liên quan trực tiếp nhất đến tình huống, sau đó phát triển ý và đưa ra cơ sở để lập luận, thuyết phục. Với sinh viên năm đầu, lần đầu tiếp cận với nhiều thuật ngữ, qui phạm, trước tiên bạn cần hiểu được bản chất thuật ngữ hay qui phạm nói về vấn đề gì (lưu ý hiểu chứ không chỉ thuộc) và nêu được chính xác ví dụ.
Luật chính là “công cụ làm việc” của chúng ta. Khi đọc luật, bạn sẽ nhận ra điều rắc rối nằm ở chỗ một thuật ngữ không phải lúc nào cũng đơn nghĩa. Trong luật, không thiếu những từ ngữ không xác định rõ nội hàm, có tính “định tính” hoặc “đa nghĩa”. Hãy tập thói quen đọc kĩ, liên tục đặt câu hỏi, chẳng hạn như: Thuật ngữ đó trong ngữ cảnh qui phạm cụ thể được hiểu là gì, cơ sở nào để xác định điều đó? Nhiệm vụ của chúng ta – những nhà luật học là phê phán sự thiếu rõ ràng của những từ ngữ không xác định, bảo vệ sự an toàn pháp lý và đi tìm nội hàm, giới hạn cho qui phạm.
“Ít mà là nhiều” qua cách giới hạn vấn đề
Năm thứ nhất tiếp xúc với nhiều môn học luật, trước tiên bạn cần tập cách “giới hạn vấn đề”.
Ở Đức, các bạn sinh viên năm đầu gọi đây là chiến lược “ít mà là nhiều” (weniger ist mehr/ less is more).
Trước các vấn đề phức tạp, trước một lượng kiến thức khổng lồ, bạn phải biết cách đơn giản hóa chúng.
Giả sử hôm nay bạn nghe giảng về một chủ đề nào đó. Bạn thấy có rất nhiều thông tin. Bạn sẽ khó ngay lập tức nhớ được tất cả. Hãy tin tôi, bạn hãy làm theo cách lắng nghe và cố gắng rút ra những vấn đề có tính bản chất nhất, hãy vạch ra khoảng 5 đến 7 cái gạch đầu dòng thôi, nhưng đó phải là những ý chính (những ý không thể thiếu, không thể quên) của bài giảng. Sau khi bạn đã hiểu, đã nắm chắc được những vấn đề đó, bạn hãy tìm hiểu thêm, mở rộng thêm, nêu ví dụ làm sáng tỏ và phát triển những vấn đề đó theo khả năng và cách hiểu của mình.
Cũng tương tự như vậy, khi bạn đọc sách, đừng vội đọc nhiều, đọc một cách tràn lan, sách gì cũng đọc. Đọc vừa đủ, để dành thời gian “nghĩ”, “hiểu” và “cảm” được sự thú vị của vấn đề. Quan trọng nhất khi đọc tài liệu là bạn phải biết cách tóm lược những ý chính từ những vấn đề mình đọc được, từ đó phát triển vấn đề. Thực tế, một cuốn sách dài vài trăm trang giấy, nếu muốn bạn vẫn có thể tóm lược thành 5 cái gạch đầu dòng. Hãy tập, bạn có thể làm được, làm dần thành quen và quen rồi bạn sẽ thành công.
Khi bạn thuyết trình hay viết một vấn đề nào đó, tốt nhất nên chỉ gạch ra những ý chính, sau đó phát triển, thuyết phục người khác theo cách hiểu của mình.
Tập thói quen đưa ra thông tin chính xác và hình thành tư duy phê phán
Khi đưa ra thông tin phải chính xác, có cơ sở, đủ độ xác tín. Trích dẫn điều khoản luật phải chính xác, trích dẫn tài liệu phải trích dẫn nguồn gốc (Bạn có thể tham khảo thêm bài viết tôi chia sẻ về nghiên cứu khoa học được trình bày tại đây).
Học luật rất cần có một tư duy phê phán. Phê phán có cơ sở, có căn cứ không có gì là xấu, ngược lại chính phê phán, phản biện thậm chí phản biện chính mình, mới là động lực để hiểu vấn đề và là cách để khoa học phát triển.
Học luật, bạn sẽ thấy từ muôn vàn những vấn đề phát sinh từ cuộc sống có những nhận định đúng, có những nhận xét không đúng hoàn toàn và có những ý kiến hoàn toàn sai lạc. Bạn hãy tập cách phát hiện vấn đề, tập tranh luận, tập phê phán và trình bày theo cách hiểu của mình. Ý thức rõ việc đó, chăm chỉ thực hành, bạn sẽ dần tạo nên một bản sắc riêng, phong cách riêng cho mình – phong cách của một nhà luật học.
Hãy làm việc chăm chỉ và sống có nguyên tắc
Bạn quyết định chọn học luật, tôi nghĩ bạn là người dũng cảm và chắc chắn bạn đã có sẵn sự say mê. Vậy thì bạn hãy thắp sáng niềm say mê ấy trước hết bằng một tinh thần làm việc chăm chỉ, cầu thị và thật bền bỉ.
Bạn nên lập thời gian biểu và tự tổ chức việc học của mình sao cho hợp lý nhất. Hãy tập xây dựng một nguyên tắc: Khi đã ngồi vào học, phải tập trung tối đa. Một giờ làm việc tập trung, hiệu quả hơn hẳn nhiều tiếng đồng hồ, thậm chí cả ngày ngồi học nhưng đầu óc bị phân tán hoặc nghĩ về những việc khác.
Là sinh viên, bạn đã là người trưởng thành. Không ai giám sát bạn cả, ngoài chính bạn. Hãy luôn thành thật với mình, đã đề ra nguyên tắc phải thực hiện nghiêm túc.
Hãy sắp xếp thời gian học, nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động xã hội một cách hợp lý. Hãy sống và học tập theo cách, theo kế hoạch mà bạn cho rằng như vậy là phù hợp và thoải mái nhất với bạn. Khi tinh thần thoải mái, đấy cũng là lúc bạn có thể phát huy sức sáng tạo cao nhất. Đừng sống gò bó, tự giam mình suốt ngày trong căn phòng với bốn bức tường xung quanh chỉ toàn sách vở. Điều đấy tôi nghĩ không có lợi, mà thực tế có hại cho bạn nhiều hơn.
Trên đây là một vài ý tóm lược nhất tôi muốn gửi đến bạn. Hi vọng, những chia sẻ này sẽ phần nào giúp bạn định hướng được tốt hơn con đường học tập, nghiên cứu và hành nghề luật phía trước của mình.
Gửi đến các bạn lời chào thân ái. Chúc các bạn thành công với niềm đam mê luật học mà mình đã chọn!
Nguyễn Minh Tuấn
Saarbrücken, ngày 20 tháng 11 năm 2011
Nguồn: tuanhsl.blogspot.com
https://viecnganhluat.com/blog/
ĐỌC THÊM: TÂM SỰ CHIA SẺ CHUYỆN NGHỀ LUẬT