Để “CV Chuyên viên Pháp chế” của bạn chuyên nghiệp hơn trong mắt nhà tuyển dụng?

CV (Curriculum Vitae) chính là phương tiện đầu tiên để bạn tiếp cận với nhà tuyển dụng, nó chính là công cụ quảng cáo hữu hiệu về trình độ, kỹ năng của bạn với nhà tuyển dụng, hãy để CV của bạn trở nên chuyên nghiệp và ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng.

Với CV của một chuyên viên pháp chế, bạn hãy nhấn mạnh vào thành tích học tập, kinh nghiệm làm việc trong môi trường pháp lý của mình và với bất kỳ trong công việc nào, bạn hãy mô tả mình là người đáng tin cậy, có nguyên tắc và có kỹ năng tư duy phản biện.

Hãy lưu ý 06 điều dưới đây để giúp CV của bạn trở lên chuyên nghiệp hơn trong mắt nhà tuyển dụng

1. Hãy lập danh sách những công việc thể hiện trình độ, kỹ năng và kiến thức pháp lý của bạn

Điều này có thể bao gồm: Quá trình thực tập và việc làm trước đó của bạn; những giải thưởng và danh hiệu bạn đã đạt được trong quá trình học tập và làm việc của mình; hoạt động vì cộng đồng chuyên môn như tình nguyện viên trong chương trình kỹ năng xử lý rủi ro pháp lý trong doanh nghiệp hay thành viên trong các tổ chức hoạt động về chuyên môn pháp lý; các bài viết đánh giá, nhận định pháp lý trong doanh nghiệp; học bổng hay thành tích học tập của bạn; hoặc các chương trình đào tạo/ khóa huấn luyện về chuyên môn pháp chế doanh nghiệp mà bạn đã tham gia.

2. Nghiên cứu thật kỹ lĩnh vực hoạt động của công ty bạn ứng tuyển

Bạn nên nghiên cứu kỹ hơn vào lĩnh vực hoạt động của công ty nơi mà bạn muốn ứng tuyển và bạn cần điều chỉnh CV của mình sao cho phù hợp với yêu cầu tuyển dụng của từng nhà tuyển dụng. Bạn có thể tạo cho mình CV theo nhiều mẫu khác nhau, nhưng hãy cụ thể từng lĩnh vực pháp lý cho từng nhà tuyển dụng. Ví dụ, một CV ứng tuyển vào vị trí chuyên viên pháp chế của công ty bất động sản sẽ khác với một CV ứng tuyển vào vị trí chuyên viên pháp chế công ty trong lĩnh vực dược phẩm.

3. Chọn cách trình bày CV để thể hiện tốt nhất trình độ của bạn

– Với lựa chọn trình bày CV theo thứ tự thời gian thì bạn có thể liệt kê quá trình học tập của mình trước, tiếp theo là kinh nghiệm làm việc của bạn, và nên bắt đầu kinh nghiệm làm việc của bạn với vị trí làm việc gần nhất của mình. Đối với mỗi mục, bạn hãy mô tả cụ thể cho từng quá trình học tập cũng như vị trí mà mình đã làm việc. Ở mỗi vị trí bạn đã đúc rút được những kinh nghiệm và bài học gì trong quá trình làm nghề của mình.

– Với lựa chọn trình bày CV dựa trên kỹ năng pháp lý mà bạn có, thì bạn hãy bắt đầu bằng một phần tóm tắt kỹ năng của bạn, và hãy dành phần lớn CV để mô tả cách bạn đã sử dụng các kỹ năng này trong học tập và công việc như thế nào? Khi liệt kê kinh nghiệm làm việc, chỉ nên viết các vị trí công việc mà bạn đã đảm nhận, cũng như thời gian và địa điểm làm việc, bỏ qua các mô tả công việc dài dòng, không tập trung vào vị trí mà bạn đang ứng tuyển.

Lưu ý: đối với cả hai lựa chọn trên thì bạn vẫn nên liệt kê trước tiên là tên nơi đào tạo bạn về ngành luật bao gồm trường đại học mà bạn học, ngành luật cụ thể bạn học, thời gian tốt nghiệp của bạn.

4. Hãy trình bày cả những kinh nghiệm làm việc ngoài lĩnh vực pháp lý nhưng có liên quan đến công việc tại công ty tuyển dụng

Nhà tuyển dụng luôn yêu cầu người đã có kinh nghiệm tối thiểu liên quan đến ngành luật. Nhưng đừng quá phóng đại những công việc trước đây bạn đã làm mà không liên quan đến ngành luật như thể bạn đã làm nghề luật nhiều năm. Dù trước đây bạn có làm nhân viên kinh doanh, nhân viên hành chính, không liên quan nhiều đến kiến thức pháp lý nhưng hãy thể hiện nó trung thực và cho nhà tuyển dụng thấy rằng giờ bạn thực sự nghiêm túc muốn trở thành một chuyên viên pháp chế doanh nghiệp, hãy cho họ thấy bạn nghiêm túc với mục tiêu trong tương lai của mình. Bạn cũng đừng quên những công việc tình nguyện, hoạt động xã hội liên quan đến ngành luật mà bạn đã làm trong trường học hoặc nơi bạn thực tập.

5. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm làm việc ngành luật thì hãy làm nổi bật lên các kỹ năng cần có của một người làm luật mà bạn đã tích lũy được

Bất kỳ công việc nào cũng có thể minh họa rằng bạn có những kỹ năng của người làm trong ngành luật như tập trung vào các kỹ năng như soạn thảo văn bản, kỹ năng nói là nhiệm vụ trọng tâm của người đại diện xử lý các vấn đề pháp lý của doanh nghiệp. Hay những kỹ năng quan trọng khác của nhân sự pháp chế ví dụ như có nguyên tắc trong công việc, chịu được áp lực và phối hợp tốt với những người/bộ phận liên quan để xử lý hiệu quả các công việc,…

Hãy liệt kê những ví dụ từ kinh nghiệm làm việc của bạn để cho nhà tuyển dụng thấy được những kỹ năng mà bạn đáp ứng được cho công việc pháp chế mà họ đang tìm kiếm.

6. Trình bày CV của bạn trong 1 – 2 trang giấy

Nên trình bày mẫu CV xin việc dài trong 1, 2 hay 3 trang A4?

CV của bạn có thể dài hơn nếu bạn có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, nhưng đối với sinh viên thực tập hoặc sinh viên mới tốt nghiệp hãy cố gắng trình bày CV của bạn trong một trang giấy duy nhất (hoặc tối đa 2 trang). Điều này giúp CV của bạn dễ dàng tiếp cận hơn với nhà tuyển dụng khi họ lướt qua và chỉ tập trung vào trình độ của bạn, họ sẽ bỏ qua những chi tiết quan trọng trong CV nếu bạn cứ trình bày dài dòng vào những thứ không liên quan đến yêu cầu của họ.

Hơn nữa, hãy chắc chắn rằng bạn đã ghi đầy đủ thông tin liên lạc ở ngay phần đầu tiên trên bản CV của mình.

Bạn nhớ ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, nơi ở hiện tại, trường học của bạn và những thông tin khác để nhà tuyển dụng có thể liên lạc với bạn một cách dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện nhất. Lưu ý, hãy sử dụng một địa chỉ email chuyên nghiệp như hoten@domainname.com, tránh dùng những địa chỉ mail nickname, sáng tạo, khó đọc hoặc biệt danh.

Chúc các bạn tuần mới thành công với mục tiêu của mình!

Thái Hà Vũ – Phụ trách dự án LETOHr
Nguồn bài viết: Tuyển dụng pháp chế
Nguồn ảnh: Internet