Câu chuyện chọn nghề, chọn trường đã có từ rất lâu và có thể nói đây là câu chuyện mang tính thời sự của nhiều người, nhiều nhà trong việc hướng nghiệp là câu chuyện dài vì có nhiều người loay hoay hay duyên nợ gì đó mà cả đời “cái gì cũng biết nhưng chẳng biết cái gì”. Nghề nghiệp đến với mỗi người như một cái “duyên”. Đối với tôi cũng vậy, với kết quả học tập khá đều và khá tốt, thi tốt nghiệp điểm cao nhất khóa cấp 3 Hà Trung năm 1981 (với Toán 10 điểm, Hóa 10 điểm, số điểm tuyệt đối thời đó là rất hiếm). Tôi tự tin xin sơ tuyển và được thi vào Đại học Quân y với mong muốn làm cái nghề chữa bệnh giúp người mà trước hết là trong gia đình anh em cũng yên tâm.
Mùa thi năm ấy đến, thương mẹ, thương cha, không muốn phiền ai, tôi đã tự mình lên Thị xã Thanh Hóa để dự thi, bị lạc đường vì đây là lần đầu tiên tôi “đi xa nhà” và áp lực tâm lý về thành tích của mình trong giai đoạn học phổ thông nên kết quả là kỳ thi năm đó không được như mong muốn, có lẽ một phần vì tinh thần không tốt tôi bị nhầm lẫn khi làm mấy bài toán, bài hóa và “trượt đại học” trong nỗi buồn vô hạn (tôi suy nghĩ rầu rĩ, và tự trách mình rất nhiều). Tôi nghĩ đến bố tôi tuổi cao sức yếu, nhịn ăn, nhịn mặc cho tôi, để tôi chỉ chú tâm vào học hành. Bố tôi đi cắt tóc rong, nhưng lo cho tôi – đứa con út mọi thứ, cho đi học thêm, không bắt tôi phải làm việc gì ngay cả có lúc tôi đang rửa mấy cái bát Ông cũng bảo để đấy thầy rửa cho đi học đi.
Sự quan tâm của Ông như vậy từ cái thời bao cấp là chuyện hiếm của một gia đình nông thôn, đông con kinh tế khó khăn vào loại nhất làng làm tôi nhớ mãi trong tâm trí. Ông kiếm tiền lo cho năm người con ăn học đến nơi đến chốn trong khi mẹ tôi lại bị bệnh tiểu đường nặng không có thuốc chữa trị như bây giời nên không làm gì được, mọi gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai bố tôi. Tôi in sâu vào trí nhớ của mình khi biết Ông đã phải “nhịn” không mua, không dùng từ chai rượu mía thời bao cấp đó để đầu tư cho tôi đi học thêm ở tận Thị xã Bỉm Sơn. Nhận được kết quả thi của tôi, bố tôi buồn và nói “Bố cứ tưởng con thi đại học gì chẳng được nửa số điểm thi tốt nghiệp và gì mà chẳng đỗ đại học …” vì Ông biết lực học và ý chí, nghị lực vươn lên của tôi từ bé nên Ông đặt rất kì vọng vào tôi vậy mà tôi đã làm ông thất vọng.
Trượt đại học, tôi được hợp tác xã giao ngay cho đi làm gạch và nhận bảy sào ruộng Trung bộ có lẽ cho thỏa mãn “cái thằng không tham gia gì cày cấy ở địa phương” (thời đó mọi suy nghĩ không thoáng và không cảm thông được như bây giờ).
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, sức khỏe suy giảm vì buồn và bi quan. Tôi định ôn thi năm nữa nhưng rồi các giấy gọi vào Đại học Sư phạm Vinh, Trung cấp Thủy sản Hải Phòng, Sỹ quan ô tô …lần lượt gửi về. Một bước ngoặt đã đến, tôi đã nhập học sỹ quan chỉ huy kỹ thuật ô tô năm đầu của học sinh phổ thông tại Thị xã Sơn Tây – Thủ đô của lính!
Vào học sỹ quan tôi còn quá “non trẻ” nhưng cũng rất may môi trường quân đội thời ấy rất nghiêm: dù đói, dù nắng nóng vất vả nhưng tôi chịu khó học tập và rèn luyện, nên sau 3 năm học với thành tích tốt tôi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được phong quân hàm Trung úy khi tôi tròn 20 tuổi và may mắn được về công tác tại Quân đoàn 1 ở Thị xã Tam Điệp (gần quê) để có cơ hội gần nhà và có điều kiện đền ơn sinh thành nuôi dạy của cha mẹ, tôi. Tốt nghiệp tôi được về làm đại đội phó, rồi đại đội trưởng, giáo viên đơn vị huấn luyện lái xe và thợ ô tô của Trường kỹ thuật Quân đoàn 1. Công việc đang tiến triển tốt thì Liên Xô tan rã, sự phụ thuộc nhiều vào CCCP (các chú cứ phá) nên khi đó tình hình xã hội có nhiều thay đổi. Tôi đã xin về Viện kiểm sát quân sự quân đoàn 1 và được cử đi học chuyển loại sỹ quan, học nghiệp vụ kiểm sát, rồi đi học Cao đẳng kiểm sát Hà Nội .Tốt nghiệp Cao đẳng kiểm sát với kết quả khá và được phong quân hàm thiếu tá vào tuổi 29. Nhưng tôi đã lựa chọn xin chuyển ngành để có điều kiện học hành trả món nợ trượt đại học mà có lẽ không bao giời tôi quên.
Năm 1993 tôi xin chuyển ngành và được về làm tại cơ quan thi hành án Tam Điệp rồi Hoa Lư, Ninh Binh và được bổ nhiệm làm Thủ trưởng cơ quan thi hành án Hoa Lư sau 3 tháng chuyển ngành. Vừa học vừa làm quản lý vừa lo chuyên môn vì Thi hành án khi đó mới tách ra khỏi Tòa án khó khăn đủ đường về vật chất về con người về vị thế..nhưng tôi đã nhanh chóng làm tốt chức năng và nhiệm vụ được giao với suy nghĩ đường nào cũng phải biết mới làm việc tốt được, nên tôi tập trung học hỏi thật nhanh và học tại chức tiếp 5 năm Đại học Luật Hà Nội.
Thời gian cứ thế trôi đi, công việc gia đình, cuộc sống đưa tôi về với bao hoàn cảnh bao mảnh đời vất vả của những người không may vướng vào pháp luật. Chính những cái khó khăn, cái bỡ ngỡ khi “bỏ lính” ra ngoài dân sự đã giúp tôi trưởng thành nhanh hơn. Tôi đã hy vọng vào con đường chính trị và được cấp trên cử đi học Cử nhân chính trị 4 năm ở Hà Nội (2000 – 2004) được bao cấp ăn ở đi lại được học với các cán bộ cấp cao hơn mình, tôi đã học được nhiều điều. Nhưng sự nghiệp chính trị vẫn phải có thời có vận. Học xong bạn bè “Thăng quan, tiến chức”, còn tôi đứng vậy và lên Tỉnh làm chuyên viên Sở tư pháp tỉnh Ninh Bình, làm trợ giúp pháp lý tại Trung tâmTGPL của tỉnh 2 năm. Chính trong thời gian này tôi được đi đến tất cả các xã trong tỉnh để TGPL lưu động và cũng từ đây hình thành trong tôi ý định làm “luật sư tự do” chứ không làm “luật sư công”. Nghĩ là làm, tôi đã xin đi học lớp đào tạo luật sư 6 tháng tại Học viện tư pháp (tôi thuộc diện được miễn đào tạo nhưng khi trình bày nguyện vọng với Giám đốc sở tôi nói được miễn chứ không cấm học mà tôi cần trang bị kiến thức và kĩ năng mới có thể giúp được dân – vậy là Giám đốc sở đã chấp thuận và cho tôi đi học). Học xong khóa đào tạo luật sư nói là sáu tháng chứ kéo dài hơn tám tháng,thời gian này tôi đăng ký học tối còn ban ngày đi làm thuê cho các văn phòng luật sư để tích lũy kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để sớm mở Văn phòng luật sư riêng cho mình.
Học xong nghỉ hết phép, tôi xin nghỉ không lương đi làm thuê cho 4 văn phòng luật sư và vì ước muốn trở thành luật sư, tôi đã phải bỏ việc công chức nhà nước (Luật luật sư qui định không bổ nhiệm công chức làm luật sư). Đây là một quyết định khó khăn đối với tôi,tôi đã quyết định xin thôi việc nhà nước và bảo lưu bảo hiểm 29 năm công tác trong quân đội và cơ quan nhà nước để làm nghề luật sư.
Đó là một quyết định khó khăn của một công chức với mức lương cao và công việc gần nhà, nhưng tôi đã quyết định sau tết âm lịch năm 2010. Nghĩ lại câu chuyện chọn việc chọn trường và giờ đây làm luật sư, chính tôi cũng không hiểu nổi mình nữa. Nhưng có lẽ nó bắt nguồn tự cái sự chịu khó chịu khổ quyết tâm “ra đi khỏi quê hương miền Trung bão lũ, để có cơ may cuộc sống tốt hơn” , để tôi làm những điều mà bố, mẹ tôi mong mỏi cho tôi khi ông bà còn sống và có lẽ tôi làm nhiều nghề học nhiều trường xuất phát là từ cái cú: trượt đại học và tôi nghĩ phải trả món nợ này hay “số” tôi nó vậy.
Nhưng giờ đây sau gần 4 năm gắn bó với nghề luật sư (gần 2 năm làm Trưởng Văn phòng Luật sư) tôi thấy đi qua nửa đời tôi mới chọn được cái nghề mà có lẽ hợp với tôi nhất. Cái nghề cần có kiến thức vừa sâu vừa rộng, phải có kỹ năng và kinh nghiệm, hơn nữa cần ứng xử nhanh nhạy và đòi hỏi phải có đạo đức tâm huyết với đời với nghề.
Tôi miên man mãi, giờ mới nói về nghề luật sư – nghề cao quý !
Thật vậy cái nghề luật sư manh nha có từ lâu phát triển nhanh và được trân trọng trên thế giới nhưng ở Việt nam chưa được quan tâm chưa được trân trọng với nhiều lý do. Nhưng hãy đừng than thở với nghề với đời mà hãy làm gì cho đời cho nghề khi còn chưa muộn. Với suy nghĩ đó tôi đã giành cả tâm huyết và nghi lực, cả kiến thức quân sự, chính tri, pháp luật, kinh nghiệm trường đời để áp dụng vào công việc cụ thể mà ai cũng biết không ai giỏi tất, biết tất cái vụ việc và các kiểu hành xử của cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp Việt Nam. Tôi đã tìm được niềm vui đích thực trong công việc trong cuộc sống. Tôi đã không đề cao quá đồng tiền mà nỗ lực hết mức làm gì cho khách hàng, để đêm mình nằm ngủ cho ngon, ngày ra đường mình không bị ai kêu than phiền vì phí tiền thuê luật sư.
Lại nói câu chuyện nghề luật sư – nghề cao quí. Có lẽ cái cao quí là do xã hội thừa nhận nhưng phải do cảm nhận của mình nữa và nhất là hiệu quả công việc mình làm được. Làm luật sư ở Việt Nam không thể quá cứng nhắc, quá sách vở mà cần có bản lĩnh đấu tranh bảo vệ pháp luật, bảo vệ khách hàng, bảo vệ mình không bị cám dỗ lôi kéo..
Một điều tôi cảm nhận được cái cao quí của luật sư là giúp được người nhưng thu nhập cao, được đi lại nhiều được chia sẻ nhiều và được “trau dồi” được cập nhật kiến thức liên tục chứ không ỷ lại thụ động, trông chờ như làm việc ở cơ quan nhà nước. Con người trở nên năng động, có kinh tế, có thu nhập cao hơn, có anh, em, có bạn bè nhiều lên…
Vậy là không mấy tôi đã được làm “thầy cãi”, được đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ người dân nghèo !
Nhưng có lẽ cảm nhận của tôi về nghề luật sư rõ nhất là khi tôi bị ốm nằm ở bệnh viện Xanh Pôn một tuần vừa qua (có lẽ do áp lực công việc, đi lại nhiều, viết nhiều, nói nhiều, đọc nhiều, học nhiều…) nên tôi bị bệnh tăng huyết áp; do người thân ở xa (tôi đang sống độc thân), các con ở xa, đã lớn cả rồi nhưng chưa khôn với mấy ai con đã chăm được cha nên khi biết hoàn cảnh của tôi và biết tôi ốm nhiều bạn bè,nhiều khách hàng đã đi hàng chục km đem cơm, đem cháo, đem thuốc cho tôi với ánh mắt động viên và sự mong mỏi chân thành, mong tôi nhanh lành bệnh để còn giúp được nhiều người…tôi cảm nhận được cái quý là ở chỗ công việc mình vừa có công lại vừa nhận được những tình cảm chân thành của mọi người, được trân trọng và có hậu.
Có lẽ còn nhiều thứ để mà nói mà viết, nhưng tôi phải nghỉ ngơi vì vừa nghĩ ra ý tưởng bài viết này khi vừa đi thể dục buổi sáng về và viết luôn một mạch những dòng cảm xúc chân thật của mình, không kịp ăn sáng và huyết áp lại tăng cao.
Tôi viết lên đây không có gì hơn là trân trọng cám ơn những tấm lòng của khách hàng đã coi tôi như người thân, lo cho tôi bát cơm khi đói, lo cho tôi sức khỏe bằng những công việc rất đỗi đời thường nhưng với tôi sẽ là cái quí nhất và khó quên nhất.
Và tôi cũng muốn viết lên những dòng chữ, những ký ức,những kỷ niệm, tình cảm với cha mẹ tôi mà có lẽ tôi không bao giờ quên: “Bố, mẹ đã mất lâu nhưng con lúc nào cũng cảm thấy bố mẹ luôn bên con, trở che cho con, mong cho con toại nguyện, đạt được ước mơ khi con còn tấm bé và giờ đây với con đã quá nửa đời phiêu dạt, mỗi công việc, mọi nghĩ suy con đều nhủ mình làm những gì để bố, mẹ ở chín suối tự hào về con – đứa con hết lòng thương yêu cha mẹ nhưng chưa đền đáp công ơn của cha mẹ thì cha me, đã đi xa “./.
Sáng chủ nhật 5/5/2012.
Tác giả bài viết: Trần Xuân Tiền
Văn phòng luật sư Đồng Đội