Từ “BRAINSTORM” được phát minh bới ông trùm ngành quảng cáo Alex Faickney Osborn, xuất hiện đầu tiên trong quyển sách của ông này từ những năm 1948. Osborn, sau khi gặp phải vấn đề về ý tưởng quảng cáo từ sự bế tắc của lớp nhân viên, đã quyết định gom tất cả bọn họ vào một phòng và vắt kiệt bất cứ ý tưởng nào được nêu ra. Từ này đạt đến đỉnh cao của sử dụng vào thời điểm gần năm 2010 với định nghĩa như sau:
Là quá trình sáng tạo nhằm tìm ra giải pháp hoặc ý tưởng mới thông qua hoạt động trao đổi của nhóm một cách “kịch liệt” và “tự do”. Mỗi thành viên đều được khuyến khích nghĩ đến đâu, nó đến đó và tìm ra càng nhiều ý tưởng càng tốt, cho dù ý nghĩ đó điên rồ hay kém khả thi thế nào đi chăng nữa. Việc phân tích, bàn luận hoặc chỉ trích/bình luận chỉ được phép thực hiện khi buổi họp này kết thúc và chuyển sang giai đoạn đánh giá kết quả.
Điều đáng ngạc nhiên là phần lớn nhân viên mới của tôi đều chưa nghe qua. Những người có một chút thử nghiệm với phương pháp này thì lại không nhận thức được quá trình này đòi hỏi luật lệ và trình tự nhất định mới đảm bảo được độ thành công.
Lợi ích của Brainstorming
Tiếng Anh có câu thành ngữ “Two heads are better than one” – xin được chuyển ngữ tạm là “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Đại ý là một nhóm người cùng suy nghĩ thì luôn hiệu quả hơn một cá nhân, về cả thể lực lẫn trí tuệ. Sự đa dạng về lối suy nghĩ, trí tuệ, kinh nghiệm, cách nhìn và văn hóa của các cá nhân trong nhóm tạo điều kiện cho một loạt ý tưởng đa chiều được sản sinh ra. Đây là một trong những trường hợp mà số lượng quan trọng hơn chất lượng. Chính nhờ một khối dữ liệu lớn về giải pháp mà nhóm có thể gọt rũa hoặc lựa chọn ra giải pháp/ý tưởng vẹn toàn nhất.
* Nguồn: Nikki Nguyen